Tòa Soạn - Bạn đọc
Mua bán giấy phép lái xe giả là vi phạm pháp luật
Thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán các loại giấy tờ giả diễn ra tràn lan trên mạng xã hội. Trong số đó không thể không kể đến là giấy phép lái xe (GPLX) giả các loại, được quảng cáo như một món hàng mua bán rộng rãi, đơn giản. Chỉ cần vào Google gõ chữ “GPLX” và một cú nhấp chuột là dễ dàng tìm được hàng loạt quảng cáo làm GPLX giả y như thật.
Quảng cáo làm giấy phép lái xe giả tràn lan trên mạng xã hội và tin nhắn điện thoại. Ảnh: K.K
Từ nhu cầu của một bộ phận người dân không muốn đi học lái xe đúng luật mà vẫn có thể có giấy phép để đối phó lực lượng chức năng, loại tội phạm liên quan đến GPLX phát triển mạnh. Đáng nói hơn, tình trạng làm GPLX giả, mặc dù rõ ràng là vi phạm pháp luật nhưng lại được quảng cáo một cách công khai trên một số trang mạng xã hội, rồi quảng cáo trên tin nhắn điện thoại đến với người dùng mạng viễn thông mà không thấy cơ quan chức năng siết chặt quản lý.
Để tạo sự tin tưởng cho khách hàng, nhiều nơi quảng cáo việc làm bằng giả hiện đại không thua gì bằng thật để qua mặt cơ quan có thẩm quyền. Thậm chí có đường dây còn quảng cáo đã đầu tư máy móc hiện đại, mỗi máy thực hiện một công đoạn. Mặc dù, biết rõ việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng nhiều người dân vẫn chọn hình thức vi phạm này để có GPLX giả. Ngại học lý thuyết, lười thi nên dịch vụ làm bằng giả ngày càng phát triển. Chỉ đến khi bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, bản thân người sử dụng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thì việc hối hận cũng đã muộn.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh phát hiện hơn 10 vụ có liên quan đến tội phạm mua bán văn bằng, chứng chỉ giả, chủ yếu là GPLX giả. Thượng tá Bùi Trung Kiên - Trưởng phòng CSGT đường bộ tỉnh, cho biết tình trạng người dân sử dụng GPLX giả thường bị phát hiện thông qua công tác tuần tra kiểm soát, hoặc một số biện pháp nghiệp vụ tại đơn vị. Tuy nhiên, công tác đấu tranh với loại tội phạm này rất khó, nhất là việc xác định và truy tìm những đối tượng đứng đằng sau (tổ chức làm GPLX giả). Do người dân khi bị phát hiện không cung cấp được địa chỉ cụ thể, việc giao dịch mua bán chủ yếu thông qua mạng xã hội, sử dụng tài khoản “ẩn danh”, thông qua nhiều khâu trung gian nên gây khó khăn cho quá trình điều tra của các cơ quan chức năng.
Pháp luật có hình thức xử phạt cả người bán và người mua, mà mức xử lý cao nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh việc xử lý theo quy định của pháp luật, thiết nghĩ các cơ quan, tổ chức, nhà tuyển dụng khi tiếp nhận các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ cần thẩm tra văn bằng, chứng chỉ, truy xuất nguồn gốc đầy đủ. Bên cạnh đó, mỗi công dân cần nâng cao ý thức đấu tranh với loại tội phạm này.
…………………......................................................................................................................................................................................................
Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
………………………………………..........................................................................................................................................................................
Kim Tuấn
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong