Tòa Soạn - Bạn đọc
Người dân không nên hoang mang trước thông tin về dịch bệnh COVID-19
Trong mấy ngày gần đây, thông tin về biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 tràn lan trên mạng xã hội. Kèm theo đó là tình hình gia tăng các ca mắc mới COVID-19 được đăng tải hàng ngày đã ít nhiều tác động đến tâm lý của nhiều người dân. Không ít trong số đó bắt đầu hoang mang, lo sợ, truyền tai nhau những thông tin không chính thống, như biến thể mới nguy hiểm hơn rất nhiều; cần cho con học trực tuyến…
Thông tin chưa chính xác lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: K.K
NHỮNG THÔNG TIN GÂY HOANG MANG
Nhan nhản trên Facebook, Zalo và các trang mạng xã hội, nhiều người dùng đã chia sẻ thông tin liên quan đến một biến thể mới, “độc hơn các biến thể Omicron, Delta gấp 5 lần, không có triệu chứng như các biến thể trước đó cho đến khi bệnh trở nặng, tỷ lệ nhập viện, tử vong cao…”. Cảnh báo này cũng nhấn mạnh biến thể mới có điểm khác biệt là không ho, không sốt mà có biểu hiện “đau xương khớp, đau đầu, viêm phổi, không thèm ăn”.
Nguyên nhân là do số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng mạnh trong nhiều ngày qua khiến cho hàng loạt thông tin khuyến cáo về tình hình dịch được lan truyền trên mạng xã hội với nội dung giật gân, câu like, tăng lượt chia sẻ.
Mới đây, thông tin tại TP. Bạc Liêu có học sinh nhiễm bệnh COVID-19 ở các trường học cũng đang khiến không ít phụ huynh và học sinh hoang mang. Nhất là khi nguồn tin còn đồn thổi, các em học sinh bị bệnh đó phải nhập viện, thở máy! Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng và đã điện thoại đến giáo viên chủ nhiệm, trường học để hỏi, bao giờ tổ chức dạy học trực tuyến?
Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế khẳng định chưa có thông tin về việc phát hiện biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2. Biến thể Omicron vẫn là biến thể chủ đạo của các trường hợp mắc trên toàn thế giới với nhiều biến thể phụ.
Tại Bạc Liêu, tình hình dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền và ngành Y tế. Đối với các trường học, những thông tin về tình hình dịch bệnh khi chưa có căn cứ của cơ quan chuyên môn chỉ gây hiểu lầm, hoang mang trong phụ huynh và học sinh. Đáng nói đây là thời điểm rơi vào những tuần cuối cùng của năm học 2022 - 2023, học sinh các cấp đang tập trung để thi cuối học kỳ II, học sinh lớp 9, lớp 12 ráo riết lo ôn thi cho kỳ thi chuyển cấp, tốt nghiệp. Do đó, những thông tin như thế chỉ gây khó khăn thêm cho học sinh và nhà trường trong dạy và học.
CẦN HIỂU ĐÚNG ĐỂ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH HIỆU QUẢ
Tình hình dịch bệnh hiện vẫn hết sức phức tạp, chúng ta phải hiểu một vấn đề là COVID-19 vẫn chưa bị triệt tiêu, con người trên thế giới vẫn phải chung sống với dịch bệnh. Có lúc, có thời điểm, do khí hậu, thời tiết và một số yếu tố khách quan, chủ quan, dịch bệnh sẽ có sự thay đổi. Do đó, chúng ta cần hiểu biết đúng đắn, để có cách bảo vệ bản thân và gia đình, phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, để có cuộc sống, sinh hoạt và làm ăn bình thường, góp phần xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo văn bản hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế.
Để tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo thủ trưởng, giám đốc các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh. Ngành Y tế chuẩn bị đầy đủ vắc-xin, nguồn nhân lực, sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho người dân nhanh chóng, an toàn và hiệu quả cho các đối tượng theo quy định; chuẩn bị các kịch bản sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị. Ngành Giáo dục tăng cường chú ý công tác phòng, chống dịch trong trường học.
Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người. Nhất là tập trung thông tin về lợi ích, tác dụng của vắc-xin; bám sát xu hướng tâm lý của người dân, xã hội, nâng cao sự tin tưởng của cộng đồng và vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Đối với người dân hiện nay, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp “2K” (khẩu trang, khử khuẩn) kết hợp với việc nâng cao ý thức của bản thân và gia đình, những hiểu biết đúng đắn, khoa học về tình hình dịch bệnh.
KIM PHƯỢNG
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024