Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí: Không ký kết hợp đồng lao động​ với nhân viên

Thứ Tư, 19/05/2021 | 16:03

“Kiểm tra tới đâu, phát hiện vi phạm tới đó” là ý kiến nhận xét của Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh khi tiến hành kiểm tra vấn đề sử dụng lao động ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke mà Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh tiến hành kiểm tra hành chính đều không xuất trình được hợp đồng bằng văn bản mà chủ sử dụng lao động đã giao kết với nhân viên. Do số lượng nhân viên nằm trong khung dao động từ 11 - 50 người theo quy định tại khoản b, Điều 8, Nghị định 28 năm 2020 nên mỗi cơ sở đều bị Thanh tra Sở LĐ-TB&XH phạt hành chính 7,5 triệu đồng theo thẩm quyền. Trước đó (năm 2019), hơn 50% số cơ sở khi bị kiểm tra đều vi phạm ở lỗi này. Nguyên nhân của tình trạng tái phạm này, cơ bản vẫn là chế tài chưa đủ mạnh.

Minh họa: Internet

Ông Tăng Văn Tám - Trưởng phòng Lao động - Việc làm - Giáo dục nghề nghiệp thuộc Sở LĐ-TB&XH giải thích, khi thanh tra, kiểm tra mà phát hiện vi phạm nêu trên thì các lực lượng tiến hành xử lý. Nếu nhẹ thì đoàn kiểm tra, thanh tra hướng dẫn khắc phục, chấn chỉnh; Còn vi phạm nặng (nhiều người lao động (NLĐ) không được giao kết hợp đồng) thì bị xử phạt ở mức cao nhất 25 triệu đồng. Tuy nhiên theo quy định hiện nay, hoạt động thanh tra, kiểm tra chỉ được tiến hành không quá một lần/cơ sở trong một năm, trừ khi phát hiện vi phạm quả tang. Trong khi kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong một năm chỉ có 10 - 15 công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ với nhiều nội dung kiểm tra gồm: vấn đề xây dựng thỏa ước lao động tập thể; chấp hành pháp luật về hợp đồng lao động; an toàn vệ sinh lao động; vấn đề bình đẳng giới… Do đó trong vấn đề sử dụng lao động, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chỉ báo cáo lên Sở LĐ-TB&XH khi có biến động lao động ở công ty, doanh nghiệp hoặc cơ sở đó. Còn vấn đề có giao kết hợp đồng với NLĐ bằng văn bản hay không thì góc độ quản lý nhà nước không tham gia nhiều.

Theo cơ quan chức năng, cái khó hiện nay là không có nguồn kinh phí để tổ chức đi kiểm tra các công ty, doanh nghiệp..., chính vì vậy, hoạt động quản lý nhà nước về lao động tại các công ty, doanh nghiệp chỉ dừng lại ở hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật có liên quan là chính. Nhiều người không biết, hoặc không có điều kiện tìm hiểu quy định liên quan đến quyền lợi của mình tại công ty, doanh nghiệp nơi mình đang lao động nên chấp nhận với nguồn thu nhập do chủ cơ sở sử dụng lao động quyết định. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ không có chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ thai sản, tai nạn lao động… Và khi gặp rủi ro, mất việc làm thì NLĐ trắng tay. Điều này cho thấy, vấn đề bảo vệ quyền lợi NLĐ vẫn còn nhiều kẽ hở để chủ sử dụng lao động lợi dụng.

HỮU DUYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.