Nhiều công trình, dự án: Thi công theo tiến độ “rùa”

Thứ Tư, 26/05/2021 | 16:29

Vướng giải phóng mặt bằng (GPMB) là lý do muôn thuở làm chậm tiến độ triển khai dự án và thi công các công trình trên địa bàn tỉnh. Trong các cuộc họp gần đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời đưa ra nhiều cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong GPMB thuộc các dự án về giao thông, nông nghiệp, xây dựng dân dụng và công nghiệp.

NHIỀU KHÂU YẾU TRONG GPMB

Theo các chủ đầu tư là Ban quản lý dự án trực thuộc UBND tỉnh thì có trăm kiểu lý do làm cho dự án, công trình bị ách tắc, chậm tiến độ. Nhiều nhất là dự án do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư với 7 dự án, 4 hạng mục đang gặp khó khăn, vướng mắc trong GPMB. Cụ thể là Dự án xây dựng Quảng trường và đường Trung tâm Hành chính tỉnh (đường Võ Văn Kiệt) chỉ còn 2 hộ chưa bàn giao mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết khiếu nại cuối cùng của UBND tỉnh. Còn 6 dự án và 4 hạng mục công trình nằm trên địa bàn TP. Bạc Liêu cũng nằm trong tình trạng tương tự.

Có dự án đã kéo dài từ nhiều năm, nhưng cơ bản ở mỗi dự án chỉ còn vướng GPMB ở vài hộ dân. Khâu yếu liên quan đến GPMB chính là công tác giải quyết yêu cầu, khiếu nại quá chậm, chưa dứt điểm nên người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng. Cá biệt, một số hộ dân đã nhận hết tiền bồi thường, hỗ trợ và nhận nền tái định cư nhưng không bàn giao mặt bằng; hay như một số hộ đã bàn giao mặt bằng, nhưng khi thấy dự án chậm triển khai đã quay lại tái chiếm. Qua đây cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác quản lý mặt bằng sạch ở các dự án trong thời gian qua. 

Dự án xây dựng, nâng cấp tuyến đường Ninh Quới - Ngan Dừa đã nhận mặt bằng trong năm 2020, đến nay mới có một liên danh nhà thầu triển khai thi công. Ảnh: H.A

NHẬN DIỆN DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ

Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải) trở thành cảng loại I là một ví dụ về tiến độ thi công “rùa”. Lý do mà chủ đầu tư đưa ra là “còn một số ghe, tàu cập bến lên xuống thủy - hải sản và mua bán kinh doanh rất nhộn nhịp”(?!). Riêng gói thầu mở rộng cầu tàu 600CV chỉ còn vướng ở một hộ cũng chưa được quan tâm giải quyết dứt điểm. Dư luận cho rằng, chỉ với lý do này mà làm chậm tiến độ giải ngân dự án trăm tỷ đồng là điều rất khó chấp nhận. Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều từng cảnh báo, Dự án Cảng cá Gành Hào nếu không giải ngân trong năm 2021 thì Bộ NN&PTNT sẽ thu hồi toàn bộ vốn.

Tương tự là Dự án đê biển Đông, hệ thống cống qua đê đoạn qua địa bàn TP. Bạc Liêu và huyện Hòa Bình. Phương án bồi thường đoạn qua TP. Bạc Liêu được phê duyệt trong năm 2020, nhưng đến nay dự án này vẫn còn loay hoay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với những hộ chưa chịu nhận tiền. Trong dự án này, ở hạng mục Cống kênh 7 và Cống kênh 12, chính quyền địa phương và chủ đầu tư chưa có cách nào để giải quyết yêu cầu của 21 hộ.

Còn đối với Dự án xây dựng, nâng cấp tuyến đường Hộ Phòng - Gành Hào (dài 25km), ông Tô Minh Đương - Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, khẳng định: “Thực tế là không vướng GPMB, nhưng nhà thầu không chịu thi công”. Triển khai từ năm 2018 và dự kiến thông tuyến đường vào dịp lễ 30/4/2021, thế nhưng đến thời điểm này, nhiều cây cầu trên tuyến chỉ mới gác dầm, đường dẫn hai bên đầu cầu chưa xong. Đặc biệt, đoạn đi qua ấp Lam Điền thuộc xã Long Điền Tây, mặt đường chỉ mới đổ cát hoặc trải đá sơ sài.

Hay như Dự án xây dựng, nâng cấp tuyến đường Ninh Quới - Ngan Dừa, dài 12km, có 927 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng. Theo ông Nguyễn Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, tỷ lệ GPMB đã đạt trên 90%, nhưng có 1 trong số 2 liên danh nhà thầu chưa chạm chân tới hiện trường thi công. 

Tuyến giao thông trọng yếu mà thi công theo kiểu như vậy thì huyện vùng sâu còn lâu mới phát triển. Đến thời điểm này, toàn tỉnh mới giải ngân được 14% vốn đầu tư công xây dựng cơ bản - “báo động đỏ” về sự ì ạch ở các dự án, công trình.  

HOÀI ANH

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------

CẦN CỘNG ĐỒNG TRÁCH NHIỆM

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đánh giá, công tác GPMB thời gian qua của địa phương chưa khẩn trương và kịp thời, những vướng mắc chưa được phối hợp giải quyết dứt điểm; đề nghị lãnh đạo các địa phương phải xem công trình, dự án của tỉnh triển khai trên địa bàn mình như là công việc của mình, không thể nói toàn bộ là chuyện của tỉnh. Các địa phương phải ủng hộ quyết liệt cho công tác GPMB, phải cộng đồng trách nhiệm. Nếu lãnh đạo cấp huyện mà tắc trách thì chủ đầu tư sẽ vô cùng khó khăn! Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, không có mặt bằng sạch thì không thể giải ngân được vốn đầu tư.

Các dự án lớn đa số nằm trên địa bàn thành phố, nhưng TP. Bạc Liêu cứ lo loay hoay gần như chưa khởi động. Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều cảnh báo, nếu không GPMB, không triển khai dự án thì TP. Bạc Liêu sẽ không bao giờ đạt được đô thị loại I. Do đó, lãnh đạo tỉnh đề nghị UBND TP. Bạc Liêu phải thành lập ngay một tổ chuyên trách chỉ đạo công tác GPMB; phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa thì các công trình, dự án trên địa bàn thành phố mới hy vọng có chuyển biến mới.

Hạn chế trong thời gian qua là tỉnh đã thành lập quá nhiều tổ kiểm tra, thanh tra liên ngành để kiểm tra, rà soát vụ việc, nhưng khi cần giải quyết thì không ai báo cáo được. Trong khi đó, người dân đang chờ kết quả giải quyết của UBND tỉnh. Người đứng đầu UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, 3 Ban QLDA trực thuộc UBND tỉnh khi có mặt bằng sạch thì phải giải ngân ngay nguồn vốn. Các nhà thầu nếu đã đủ điều kiện, có mặt bằng sạch mà không tập kết vật tư, trang thiết bị thi công, làm chậm tiến độ giải ngân vốn phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Với những khó khăn, vướng mắc trong GPMB, lãnh đạo tỉnh đề nghị các địa phương và chủ đầu tư có kiến nghị cụ thể từng hộ. Hộ nào đã nhận tiền rồi, đã được áp dụng đầy đủ chế độ, chính sách thì kiên quyết bảo vệ thi công. Hộ nào chưa nhận tiền mà còn đang yêu cầu thì cần xem xét đến từng hoàn cảnh cụ thể để biết họ đang gặp khó khăn gì, sau đó lập phương án hỗ trợ.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong GPMB, các ngành, địa phương phải áp dụng phương án bồi thường, hỗ trợ theo hướng có lợi nhất cho người dân. Chính sách bồi thường, hỗ trợ phải áp dụng ở mức cao nhất, giá mút khung để đỡ mất thời gian giải quyết yêu cầu, khiếu nại. Đặc biệt, không được kỳ kèo, trả giá với hộ dân khi họ đã không còn tài sản. Đừng bao giờ để mỗi lần người dân khiếu nại thì chúng ta lại nhích giá hỗ trợ lên, tạo ra tiền lệ không tốt. Cho nên, các chủ đầu tư, các huyện, thị xã, thành phố, kể cả đơn vị tư vấn khi tham gia GPMB phải thể hiện trách nhiệm cao nhất với người dân.

Ngược lại, nếu hộ nào đã được bồi thường, hỗ trợ đủ điều kiện rồi mà còn dây dưa, không chịu bàn giao mặt bằng cho dự án thì phải bị cưỡng chế, bị xử lý nghiêm minh để đảm bảo sự công bằng. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu khi GPMB mà hộ dân không còn đất để ở thì phải bố trí nền tái định cư chứ không được bồi thường, hỗ trợ bằng tiền để người dân tự lo chỗ ở. Đời sống của người dân sau khi GPMB phải đảm bảo bằng hoặc tốt hơn mức sống cũ. Thu hồi dự án nào thì bố trí tái định cư cho xong dự án đó.

Với tuyến đường Gành Hào - Hộ Phòng, lãnh đạo tỉnh đề nghị hạn chót là cuối tháng 6/2021 phải thi công xong. Còn các dự án khác, chủ đầu tư phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao thì mới thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển trong điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19.

P.V (lược ghi)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.