Tòa Soạn - Bạn đọc
Những quy định mới của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11 (ngày 6/4/2016), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2016; Chủ tịch nước đã ký lệnh số 07/2016/L-CTN ngày 19/4/2016 công bố Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Sở Tư pháp triển khai, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cho cán bộ, viên chức ngành Tư pháp. Ảnh: T.Sơn
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được Quốc hội khóa XIII thông qua nhằm đáp ứng xu thế phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó Việt Nam là thành viên của nhiều liên minh thuế quan và là mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng thương mại quốc tế, tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu khắc phục một số bất cập, hạn chế quy định tại Luật Thuế Xuất nhập khẩu số 45/2005/QH11 và nhằm góp phần khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất, kinh doanh trong nước. Hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan đặc biệt là Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Thương mại... Đồng thời khắc phục các vướng mắc phát sinh, đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất nhập khẩu, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu gồm 22 điều, được bố cục thành 5 chương. Nội dung của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được sửa đổi, bổ sung trên 4 nhóm vấn đề chính. Thứ nhất, khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất, kinh doanh trong nước phù hợp với định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất với văn bản pháp luật liên quan; khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thuế xuất nhập khẩu hiện hành. Cụ thể, sửa đổi quy định về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế; Sửa đổi quy định về thuế suất thông thường; Sửa đổi quy định về trị giá tính thuế và thời điểm tính thuế; Sửa đổi quy định miễn thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới...
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thông lệ quốc tế, như: Bổ sung quy định về áp dụng thuế xuất khẩu đối với trường hợp có hàng hóa xuất khẩu sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế xuất khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Bổ sung quy định về áp dụng thuế suất đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường nội địa đáp ứng các điều kiện về xuất xứ thì được áp dụng theo mức thuế suất ưu đãi tương ứng. Bổ sung quy định thời hạn nộp thuế đối với người nộp thuế được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật Hải quan theo hướng được thực hiện nộp thuế cho các tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng hóa chậm nhất vào ngày 10 của tháng kế tiếp.
Thứ tư, nhằm đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đó là việc chuyển hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập để sản xuất hàng xuất khẩu từ đối tượng phải nộp thuế khi nhập khẩu, được hoàn thuế khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế để khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu, đơn giản thủ tục hành chính, phù hợp với thông lệ quốc tế. Chuyển hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất từ đối tượng chịu thuế ở khâu nhập khẩu và thực hiện hoàn thuế khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế có điều kiện về bảo lãnh, đặt cọc phù hợp với thông lệ quốc tế.
KIM TUẤN
- Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng
- Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc
- Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tiềm năng điện gió ven bờ cả nước
- Bàn giao 101 máy quét Căn cước và thiết bị sinh trắc học cho các cơ sở y tế