Nỗi khổ của người có thu nhập thấp thời hậu COVID-19

Thứ Sáu, 08/05/2020 | 17:26

Bên cạnh những thiệt hại nặng nề về kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều chuyên gia còn lo ngại về một mối nguy hại khác, đó là tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội có nguy cơ tăng cao do mức thu nhập giảm, hoặc mất việc làm khiến những đối tượng ảnh hưởng dễ bị sa ngã, lầm đường lạc lối…

Mưu sinh khó khăn hậu dịch COVID-19. Ảnh: K.P

Mất “nồi cơm”…

Những ràng buộc trong điều kiện được hỗ trợ khiến một bộ phận không nhỏ những người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra, lại không thể với tới gói hỗ trợ. Đơn giản như quy định về hỗ trợ người lao động tự do không có giao kết hợp đồng bị mất việc do dịch COVID-19, Chính phủ quy định, điều kiện để được hỗ trợ trước hết là lao động phải có mức thu nhập thấp hơn 1,3 triệu đồng/tháng ở khu vực thành thị và 1 triệu đồng/tháng ở khu vực nông thôn.

Chị T.N.T (phụ bếp của một quán karaoke tại Phường 1, TP. Bạc Liêu) than thở: “Mất việc làm là coi như mất “nồi cơm”. Lúc nghe tin được Nhà nước hỗ trợ, rồi được hướng dẫn đến trụ sở phường kê khai thông tin, gia đình tôi mừng lắm. Nhưng bây giờ nghe nói, người nào có mức thu nhập mỗi tháng dưới 1,3 triệu đồng mới được trợ cấp. Dù hoàn cảnh hiện tại rất khó khăn, nhưng trước khi xảy ra đại dịch, bản thân tôi thu nhập mỗi tháng cũng trên 2,5 triệu đồng; chồng tôi thì làm thợ hồ, thu nhập không ổn định. Tiền điện, nước, ăn uống, tiền học phí của hai đứa con, rồi tiền vay mua trả góp trang thiết bị trong gia đình…, đủ thứ tiền phải chi trong khi chúng tôi gần như không có thu nhập từ sau tết Nguyên đán 2020 đến giờ. Gạo ăn thì không thiếu vì được nhiều nhà hảo tâm cho, nhưng biết đào đâu ra tiền để trang trải cho những khoản chi khác”.

Cần sự quan tâm cho nhiều nhóm đối tượng hơn

Điều mà chị T. băn khoăn cũng là tình trạng chung của khá nhiều người nằm trong nhóm không thể nhận được gói hỗ trợ dành cho người lao động tự do bị mất việc làm do dịch COVID-19. Nhiều trong số những đối tượng khó khăn, chật vật trong mùa dịch là những lao động trẻ, những gia đình phải ở nhà trọ, nhà cho thuê. Dù thu nhập có thể cao hơn mức cận nghèo, nhưng mức sinh hoạt đắt đỏ, những đối tượng này khó có khả năng tích lũy. Đó là chưa nói, rất nhiều người trong nhóm này là những thanh niên tuổi đời còn khá trẻ, thường là đội ngũ phục vụ quán ăn uống, nhà hàng… Một khi các em rơi vào hoàn cảnh túng quẫn thì rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dẫn dắt vào con đường tệ nạn, phạm pháp. Hệ lụy mà xã hội gánh chịu sau đó, có khi còn nặng nề hơn.

Như câu chuyện mà H., một thanh niên 19 tuổi phụ quán nhậu ở Phường 2 (TP. Bạc Liêu) kể: Khi mất việc làm, không có tiền trả nhà trọ, tiền ăn, nợ vay mua đồ trả góp réo đòi hàng ngày, có người rủ em đi giao hàng lương cao. Nhưng khi hỏi cụ thể là mặt hàng nào thì họ trả lời không cần biết. Nghi là hàng cấm - ma túy, nên em từ chối. Liệu được bao nhiêu bạn trẻ trong hoàn cảnh túng thiếu vẫn biết giữ mình như H.?

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng mà Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động khi xảy ra đại dịch COVID-19 mang tính nhân văn cao. Bởi trong tình hình đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, gói hỗ trợ này đã là cố gắng rất lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, điều mà nhiều người lo lắng và quan tâm hơn, đó chính là việc làm sao để gói hỗ trợ đến đúng đối tượng thật sự khó khăn, cần được hỗ trợ!

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.