Tòa Soạn - Bạn đọc
Pháp luật nghiêm để triệt tiêu các kiểu hành xử theo “luật rừng”
Ngày càng có nhiều vụ việc xảy ra mà người dân xử theo “luật rừng”, nhất là các tranh chấp đất đai, nợ nần… Những hành động trên chỉ khiến xã hội thêm bất ổn, và cũng là dấu hiệu chỉ ra rằng, người dân mất niềm tin vào công lý, vào sự giải quyết của pháp luật. Họ không nhờ đến luật pháp mà tự giải quyết theo lối nghĩ của bản thân, thậm chí có thể dẫn đến vi phạm pháp luật.
Minh họa: T.L
Hai hộ gia đình có mâu thuẫn nhau vì cái lối đi. Nhà đầu hẻm không đồng ý với việc người cuối hẻm tự tiện làm mái che che hết con hẻm theo chiều ngang chỉ vì họ có hai căn nhà đối diện nhau. Nhà cuối hẻm thì cho rằng, họ che vậy không vi phạm gì, vì đây đã là cuối hẻm cụt. Nói không được thì hộ đầu hẻm bít đường đi, lấy bao cát, đất đá chặn mất lối đi vào nhà cuối hẻm. Hai bên không ai chịu ai, nhiều lần suýt xảy ra xô xát, chuyện cãi vã như cơm bữa. Chính quyền đến thì họ dỡ bao cát đi, chính quyền về thì đâu lại vào đó. Câu chuyện trên xảy ra tại phường Hộ Phòng (TX. Giá Rai) đã khiến chính quyền địa phương phải mất nhiều giấy mực, thời gian giải quyết. Vấn đề quan trọng là ngay từ ban đầu, địa phương giải quyết không kịp thời, khiến mâu thuẫn lẽ ra rất nhỏ trở nên phức tạp, may là cuối cùng, địa phương cũng giải quyết xong.
Hay như trường hợp của anh C. (Phường 5, TP. Bạc Liêu), vừa rồi anh bị người ta giật nợ gần 300 triệu đồng. Con nợ không những không trả tiền mà còn tỏ thái độ thách thức, kiểu như “cứ đi thưa đi, ông đây không trả thì làm gì nhau”. Bởi bây giờ nhiều người đã quá biết chuyện, nếu đòi nợ theo đúng thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định phải qua rất nhiều bước, từ làm đơn khởi kiện gửi đến tòa án, trước đó có thể phải qua hòa giải ở phường, xã, thời gian chờ thụ lý giải quyết đến xét xử có khi kéo dài cả năm. Khi có bản án, lại phải chờ kháng cáo của bên bị đơn, rồi thủ tục phúc thẩm. Sau đó chờ thi hành án càng nhiêu khê, khó khăn. Quá trình đó, nguyên đơn chưa chắc đã lấy được đồng nào mà tốn kém cho con đường “đáo tụng đình” chắc chắn không ít. Cho nên anh C. bỏ nhỏ rằng, anh đã lấy được hơn phân nửa tiền khi thuê người đòi nợ thuê. Còn người này làm gì để đòi được tiền thì anh không nói. Anh C. còn nói, dù tốn phí nhiều nhưng lấy tiền nhanh, đỡ mất thời gian hơn con đường kiện tụng theo quy định pháp luật.
Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cá nhân, thậm chí là tổ chức xã hội đen có cơ hội sinh sôi nảy nở, hoạt động âm thầm trong lòng xã hội. Các kiểu đòi nợ nếu không trả sẽ xin “tí huyết”, hoặc gia đình, bản thân bị hăm dọa, làm phiền… khiến con nợ sợ hãi thật sự hơn là tranh chấp dân sự, ra tòa xét xử.
Hành xử kiểu giang hồ để giải quyết một số vấn đề tranh chấp trong xã hội đang lây lan như một hiệu ứng. Nguyên nhân dễ nhận thấy nhất có thể từ thủ tục tố tụng, hành chính quá rườm rà, thời gian giải quyết vụ việc quá lâu so với luật quy định hoặc chính thái độ thờ ơ của cơ quan quản lý nhà nước khi người dân cần khiến họ nản lòng và chọn lựa hành xử theo kiểu “luật rừng”.
Như vậy, chỉ khi hệ thống pháp luật của ta, trong đó có vai trò không nhỏ của hệ thống tư pháp, phải ngày càng cải thiện, xét xử nhanh chóng, nghiêm minh. Cơ quan công an ngay từ khi nhận tin báo tội phạm cũng phải giải quyết một cách đúng bản chất, tránh tình trạng đùn đẩy. Chính quyền cũng cần gần dân, nhanh chóng giải quyết công việc để tạo lòng tin của dân. Bên cạnh đó, người dân cũng phải có tinh thần thượng tôn pháp luật, bởi nếu thích hành xử kiểu “luật rừng” thì đôi khi, hậu quả lại do chính bản thân mình gánh chịu.
KIM PHƯỢNG
Một tranh chấp dân sự, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, thời gian giải quyết ít nhất từ 2 - 5 tháng, từ khi tòa thụ lý đơn, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm và có hiệu lực thi hành không bị kháng cáo, kháng nghị. Trường hợp ngược lại, nếu đương sự một trong hai bên gây khó khăn, chứng cứ chưa rõ, phải xác minh thêm hoặc vụ việc bị tạm đình chỉ, tòa hoãn lên hoãn xuống thì vụ án có thể kéo dài 2 - 3 năm, thậm chí là lâu hơn nữa.
Không ít trường hợp, ranh giới giữa tội phạm với tranh chấp dân sự mờ nhạt, lẽ ra công an thụ lý thì lại chuyển sang con đường tranh chấp ra tòa, cũng khiến người dân nản lòng.
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh