Tòa Soạn - Bạn đọc
Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường
Nhiều cử tri trên địa bàn tỉnh trong lần tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV nêu kiến nghị, trong sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) lần này, phải kiên định nguyên tắc “ai gây ô nhiễm môi trường, người đó phải chịu trách nhiệm xử lý ô nhiễm”. Bên cạnh đó, cử tri tiếp tục đặt vấn đề, gốc của BVMT là làm sao tạo ra thay đổi toàn diện về nhận thức và hành vi của toàn xã hội, cũng như của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trong BVMT vì sự phát triển bền vững. Đề nghị có giải pháp thay đổi toàn diện về nhận thức và hành vi của toàn xã hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại xã Long Điền Đông A (huyện Đông Hải). Ảnh: K.K
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà trả lời vấn đề này như sau:
Việt Nam đã tiếp cận với loại hình bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường từ Luật BVMT năm 2005, năm 2014 và tiếp tục được quy định tại dự thảo Luật BVMT sửa đổi. Theo đó, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ gồm hoạt động dầu khí, sản xuất - kinh doanh hóa chất; sử dụng tàu biển chuyên dùng để vận chuyển dầu mỏ, hàng hóa nguy hiểm phải có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định pháp luật.
Để giải quyết “gốc” của vấn đề BVMT như kiến nghị của cử tri, Bộ TN-MT đã trình Quốc hội dự án Luật BVMT, trong đó hoàn thiện các công cụ kinh tế thuế, phí, quy định đặt cọc hoàn trả, bao bì, sản phẩm, trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình cá nhân trong việc thu gom, phân loại, xử lý chất thải phát sinh; quy định về bồi thường thiệt hại về môi trường. Đồng thời hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật BVMT và truyền thông về môi trường… qua đó nhằm điều chỉnh, thay đổi các hành vi theo hướng có lợi cho môi trường, giảm phát thải ra môi trường của toàn xã hội.
Bộ đã tập trung xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT theo hướng kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Cùng với đó là triển khai các giải pháp nhằm tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền pháp luật về BVMT. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BVMT, tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia BVMT. Phát triển các phong trào quần chúng, vận động Nhân dân tích cực tham gia BVMT. Phát hiện và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động BVMT, gắn nội dung BVMT với phong trào Toàn dân tham gia BVMT. Tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường của Trung ương và địa phương.
Đặc biệt, Bộ TN-MT sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất, tổ chức thanh tra, kiểm tra theo loại hình, vùng theo hình thức cuốn chiếu để đánh giá đầy đủ, toàn diện, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các địa phương duy trì hoạt động giám sát thường xuyên đối với các dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Kim Tuấn (tổng hợp)
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh