Tòa Soạn - Bạn đọc
Phòng chống dịch bệnh COVID-19: Cần sự nêu gương của cán bộ, đảng viên
Thời gian qua, trong các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bên cạnh nội dung chỉ đạo, khuyến cáo người dân thì UBND tỉnh luôn yêu cầu, nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (gọi tắt là cán bộ) trong tỉnh hãy là tấm gương trước Nhân dân trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Khu cách ly tập trung huyện Phước Long là nơi cách ly 21 ngày cả gia đình cán bộ ngân hàng sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2021. Ảnh: H.D
HẠN CHẾ TỐI ĐA RA KHỎI TỈNH
Có thể giới hạn phạm vi bài viết này bắt đầu từ khi tỉnh có Công văn 1558, ngày 28/4/2021 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong dịp lễ 30/4 - 1/5, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Công văn chủ yếu nhắc nhở mọi người thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc đeo khẩu trang bắt buộc. Ngoài ra, một nội dung quan trọng cũng được Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều nhắc nhở: “Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường quản lý cán bộ, trường hợp đi ra khỏi tỉnh thì phải báo cáo để theo dõi; hạn chế đi đến vùng có nguy cơ dịch bệnh cao nếu không thật sự cần thiết…”.
Sau kỳ nghỉ lễ, UBND tỉnh có thêm một văn bản mới (số 1626, ngày 5/5/2021) đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát cán bộ của cơ quan, đơn vị mình… đã từng đi ra khỏi tỉnh Bạc Liêu và trở về tỉnh trong thời gian qua. Gần đây nhất là Công văn 1698 ban hành ngày 10/5, theo đó, tỉnh nghiêm cấm đi đến vùng có dịch, hạn chế tối đa đi ra khỏi địa bàn tỉnh Bạc Liêu nếu không thật sự cần thiết cho đến khi có chỉ đạo mới. Trường hợp đặc biệt phải đi ra khỏi địa bàn tỉnh thì phải được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan, đơn vị và thủ trưởng phải báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cùng cấp. Riêng với đối tượng thuộc diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh quản lý phải báo cáo và được sự đồng ý của người có thẩm quyền trước khi đi; phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch sau khi trở về. UBND tỉnh còn nhấn mạnh: “Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về nội dung đó”.
NGHIÊM, NHƯNG KHÔNG KỲ THỊ, PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ
Trong kỳ nghỉ lễ, dù không vi phạm quy định của tỉnh, nhưng nguyên tắc nêu gương ít nhiều chưa được chú trọng khi nhiều cán bộ, đảng viên đi ra khỏi tỉnh chỉ vì lý do “vui chơi giải trí”. Có 12 người thuộc diện F1 bị buộc cách ly tập trung, kéo theo cả tập thể người phải bị cách ly tại nhà do tiếp xúc gần, ảnh hưởng biết bao công việc và sau đó đã đón nhận làn sóng chỉ trích, phê phán từ phía dư luận.
Thiếu trách nhiệm gây ảnh hưởng đến cộng đồng cần phải bị nhắc nhở, đó là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ, tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng nói rõ: “Bệnh nhân có quyền được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư ghi trong hồ sơ bệnh án. Thông tin này chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định”.
Còn theo Khoản 3, Điều 33, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm: “Thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh”.
Từ cơ sở pháp lý đó, người mắc COVID-19 là bệnh nhân nên cần được tôn trọng và pháp luật bảo vệ quyền riêng tư, tránh những hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị, xâm phạm quyền nhân thân. Và việc một số trang mạng xã hội mạnh mẽ chỉ trích, bình luận, đưa tin phơi bày danh tính của người thuộc diện F1 trong tỉnh khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế chưa cung cấp là không đúng quy định pháp luật. Hành vi vi phạm đó có thể bị xem xét xử lý vi phạm, phạt hành chính theo quy định tại Điều 84 Nghị định 15, ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện từ. Trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).
HỮU DUYÊN
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong