Tòa Soạn - Bạn đọc
Phớt lờ quy định cấm sử dụng điện thoại ở cây xăng: Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ
Việc sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) ở những nơi có biển cấm, trong đó bao gồm cửa hàng kinh doanh xăng dầu là hành vi không được phép và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ mất an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số người cố tình phớt lờ quy định này.
Tại các cửa hàng xăng dầu đều dán nhãn cấm sử dụng điện thoại di động. Ảnh minh họa: T.H
Theo các chuyên gia, trong trường hợp sử dụng ĐTDĐ tại các cây xăng, sóng điện thoại có thể tác động đến mạch điện tử làm phát ra tia lửa điện. Nếu không may, xung quanh chỗ người sử dụng có nồng độ xăng dầu đủ lớn để phát hỏa thì sẽ kết hợp với tia lửa điện từ điện thoại gây ra cháy, nổ rất nguy hiểm. Thực tế là thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra một số vụ cháy nổ tại cửa hàng, cơ sở kinh doanh xăng dầu gây thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản.
Từ thực trạng này, Nghị định 167 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy đã quy định: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi sử dụng diêm, bật lửa, ĐTDĐ ở những nơi có quy định cấm (trong đó có cây xăng, theo khoản 1, Điều 33). Quy định này nhằm tăng cường cảnh báo, nâng cao ý thức người dân trong phòng chống cháy, nổ, tránh những hậu quả đáng tiếc, nhưng cho đến nay, trên thực tế người dân vẫn chưa thực hiện nghiêm. Hàng ngày, tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, hình ảnh người dân sử dụng ĐTDĐ khi đến mua nhiên liệu vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Có những người vừa nghe điện thoại vừa rẽ vào cây xăng để mua nhiên liệu, cũng có người đang đứng bơm xăng bỗng móc điện thoại ra nghe, gọi.
Được biết từ năm 2006, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã xuất bản tài liệu hướng dẫn an toàn phòng cháy chữa cháy xăng dầu trong toàn hệ thống, nêu rõ cấm sử dụng ĐTDĐ tại các kho xăng, dầu, trạm bán lẻ. Cũng từ năm 2006, Petrolimex là doanh nghiệp xăng dầu đầu tiên dán nhãn cấm sử dụng ĐTDĐ tại các trạm xăng dầu, bán lẻ trên khắp cả nước. Đến nay, điểm bán lẻ của các đầu mối nhập khẩu xăng dầu trên cả nước đều dán nhãn cấm sử dụng điện thoại trong lúc bơm xăng.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít người dân vô tình hoặc cố tình bỏ qua yêu cầu này. Anh Hoàng Anh - một nhân viên bơm xăng cho biết: “Thấy khách nghe điện thoại, nhân viên sẽ nhắc nhở ngay, nhưng không phải ai cũng ý thức được hành động của mình. Có người đồng tình, cũng có người thể hiện thái độ khiếm nhã”.
Rất nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, việc sử dụng điện thoại ở cây xăng, trong một số diễn biến không thuận lợi hoàn toàn có thể xảy ra cháy, nổ cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt là trên thị trường Việt Nam, không ít điện thoại nhập lậu, điện thoại không chính hãng, điện thoại cũ được người dân sửa chữa, thay thế pin “dỏm” đã vô tình làm tăng các nguy cơ không đảm bảo an toàn về mạch và pin. Cùng với đó là một số tính năng mở rộng của điện thoại liên quan đến đèn flash cũng không loại trừ khả năng gây ra cháy khi tiếp xúc với khu vực có nồng độ xăng, dầu lớn.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng cháy chữa cháy nói chung, an toàn cháy, nổ xăng dầu nói riêng. Bộ phận quản lý, chủ cửa hàng xăng dầu, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền các quy định pháp luật, các nguyên tắc cơ bản về phòng cháy chữa cháy đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các hình thức tuyên truyền trực quan. Đồng thời, cần nghiêm túc xử lý những trường hợp cố tình vi phạm.
Đ.H
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh