Quyền tự do báo chí của công dân trong Luật Báo chí 2016

Thứ Sáu, 17/06/2016 | 16:33

Luật Báo chí được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5/4/2016 (thay thế Luật Báo chí năm 1989, sửa đổi, bổ sung năm 1999) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017. Luật có 6 chương, 61 điều với nhiều nội dung mới.

Mẫu thẻ nhà báo mới thời hạn 2016 – 2020. Ảnh minh họa: B.T

So với Luật Báo chí 1999, Luật Báo chí năm 2016 tăng 25 điều, có 32 điều mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung. Không quy định chương quản lý nhà nước về báo chí, thay đổi kết cấu chương III (Nhiệm vụ quyền hạn của báo chí), chương IV (Tổ chức báo chí và nhà báo) của Luật Báo chí 1999 thành chương III (Tổ chức báo chí) và chương IV (Hoạt động báo chí) trong Luật Báo chí năm 2016. Luật quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân (chương II), đồng thời quy định về trách nhiệm của cơ quan báo chí, của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

Trước khi Luật Báo chí được thông qua, đây là một nội dung được thảo luận nhiều nhất vì tự do báo chí, tự do ngôn luận thực tế là một phương diện thể hiện dân chủ ở nước ta. Đây cũng chính là điểm mới nhất của Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung) lần này. Khi mà triển khai nội dung quan trọng được quy định tại điều 14, điều 25 của Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí.

Luật Báo chí 2016 quy định cho công dân được quyền tự do báo chí như quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in, phát hành báo in. Quyền tự do ngôn luận trên báo chí được xác định tại Điều 11 Luật Báo chí quy định công dân có các quyền: Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, và thành viên của các cơ quan, tổ chức đó cũng như các tổ chức, cá nhân khác.

Để đảm bảo cho quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí, Luật Báo chí 2016 quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí. Theo đó, cơ quan báo chí phải đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích và không có nội dung là những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 9 của luật này. Trong trường hợp không đăng, phát phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu. Các cơ quan báo chí phải trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có thẩm quyền trả lời bằng văn bản hoặc trả lời trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến. Song song đó, luật cũng buộc trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.