Tòa Soạn - Bạn đọc
Sử dụng mạng xã hội để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Theo thống kê của Vnetwork, Việt Nam hiện có 68,17 triệu người đang sử dụng dịch vụ Internet, phổ biến là các mạng xã hội (MXH) như: Facebook, Zalo, Youtube, Instagram… Hầu hết người dân (trong đó có cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động) đặc biệt là thanh thiếu niên đều có một hay nhiều tài khoản MXH. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên MXH là một hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin trong điều kiện hiện nay.
Trang tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên Facebook của Sở Tư pháp Bạc Liêu.Ảnh: K.K
Sở Tư pháp Bạc Liêu là đơn vị đầu tiên trong tỉnh sử dụng MXH để phổ biến pháp luật trên trang Facebook, phổ biến giáo dục pháp luật Bạc Liêu. Nhiều nội dung liên quan đến pháp luật được đăng tải trên trang nhanh chóng thu hút được lượt truy cập, lượt like, share. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan khác cũng đã chú trọng đến việc dùng trang web của đơn vị như cổng thông tin điện tử của ngành để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực của mình. Đó là còn chưa nói, nhiều cán bộ, công chức cũng đã nhận thức được sức mạnh của MXH, thông qua Zalo, Facebook để đăng tải những status tuyên truyền các chính sách, pháp luật một cách rất hiệu quả. Bên cạnh đó, thông qua MXH, người dùng mạng có thể dễ dàng tra cứu, tìm hiểu các quy định của pháp luật để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà bản thân gặp phải, tiếp cận nhanh những nội dung, quy định pháp luật, nắm rõ điều được làm, không được làm, qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình… MXH có tính tương tác cao nên giúp những người làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật dễ dàng tiếp nhận những ý kiến phản biện, kiến nghị… từ đó, có thể tiếp thu, phản hồi cho người dân hiểu đúng, chính xác các quy định của pháp luật mà tổ chức, cá nhân có ý kiến.
Phải khẳng định rằng, việc sử dụng MXH như một công cụ tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ phát huy tối đa hiệu quả, không bị giới hạn về không gian và thời gian như hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật khác như tổ chức tập huấn, tuyên truyền miệng… MXH còn có tác động mạnh mẽ trong định hướng nhận thức, tư tưởng, tình cảm, hành vi của mỗi người. Có thể thông qua đó để mỗi cá nhân tự ý thức những việc họ làm và điều chỉnh hành vi của mình đúng quy định của pháp luật và chuẩn mực của văn hóa đạo đức.
Để giúp người dân định hướng được các thông tin tích cực, từ đó tuyên truyền pháp luật hiệu quả, các cơ quan chức năng, lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cũng cần chủ động tham gia, sử dụng không gian mạng xã hội, Internet, truyền thông một cách sâu rộng. Đồng thời phải xác định hướng đến các đối tượng cụ thể, các giới, các ngành, các lĩnh vực để thực hiện nhiệm vụ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân.
KIM KIM
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh