Tòa Soạn - Bạn đọc
Tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình điện gió trên biển
UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình điện gió trên biển. Chủ yếu là chống va trôi, va đập của các sà lan, phương tiện thủy trong điều kiện thời tiết xấu do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc từ nay đến hết quý 1/2022.
Mới đây, UBND tỉnh nhận được nhiều văn bản của doanh nghiệp, nhà đầu tư các công trình điện gió trên biển đề nghị có biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn cho các công trình trong điều kiện thời tiết xấu do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định - các công trình điện gió trên biển đều là công trình trọng điểm của tỉnh, là tài sản lớn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như xã hội. Đồng thời là nguồn thu khá lớn cho ngân sách tỉnh, cần phải đảm bảo an ninh, an toàn, hạn chế tối đa các sự cố, nhất là không để xảy ra tình trạng sà lan, phương tiện thủy trôi dạt trên biển va đập gây hư hại, dừng hoạt động.
Để đảm bảo an toàn cao nhất cho các công trình trọng điểm này, UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh theo dõi, quản lý và chịu trách nhiệm trong việc tuyệt đối không cho các sà lan, phương tiện thủy ra biển và hoạt động trên biển khi thời tiết xấu; phương tiện và tài công, thuyền viên không đảm bảo đầy đủ các giấy phép và điều kiện an toàn kỹ thuật có liên quan; phương tiện không có phương án kiểm soát, tự ứng cứu.
Lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ địa bàn và các công trình điện gió trên biển. Ảnh: T.H
Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát trên khu vực biển, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị bảo vệ vùng biển quốc gia, vừa theo dõi các hoạt động trên khu vực biển của tỉnh, gắn với đảm bảo an ninh, an toàn cho các công trình trên. Đồng thời, xây dựng phương án cứu hộ cứu nạn và triển khai thực hiện đảm bảo an toàn cho các công trình trọng điểm (có thể tính toán phương án: nếu phương tiện bị sự cố mất kiểm soát trong phạm vi cách công trình điện gió dưới 4km thì phải có phương án ứng cứu, huy động phương tiện, lực lượng can thiệp kịp thời, hiệu quả).
UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư dự án điện gió trên biển chủ động bố trí phương tiện, lực lượng để ứng trực, theo dõi xử lý các nguy cơ tiềm ẩn; đồng thời tích cực tham gia hỗ trợ kinh phí (nếu có) đối với các hoạt động đảm bảo an toàn nêu trên của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.
Chính quyền địa phương, chủ đầu tư các dự án có sử dụng phương tiện vận tải trên biển tích cực vận động và chịu trách nhiệm phối hợp với chủ phương tiện thực hiện nghiêm túc các nội dung này, nhất là tăng cường thông tin, quản lý chặt chẽ các phương tiện trên biển. Nếu phát sinh các nguy cơ thì phải phối hợp chặt chẽ, tuân thủ theo hướng dẫn, xử lý của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Trường hợp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chủ quan, lơ là thiếu trách nhiệm hoặc không phối hợp tích cực, hoặc cố tình vi phạm dẫn đến phát sinh hậu quả, nhất là việc đâm va gây thiệt hại về người và tài sản thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
THANH HẢI (tổng hợp)
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau