Tòa Soạn - Bạn đọc
Tạo thuận lợi cho tập trung, tích tụ đất nông nghiệp ở ĐBSCL
Ngày 18/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tạo thuận lợi cho tập trung, tích tụ đất nông nghiệp ở ĐBSCL để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có sức cạnh tranh và hiệu quả cao.
NHIỀU VẤN ĐỀ ĐÁNG QUAN TÂM
Từ khi Chính phủ thống nhất về mặt chủ trương việc mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất để mở đường cho sản xuất lớn (trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017), rất nhiều nội dung liên quan đến vấn đề này đã được đề cập, nhận được sự quan tâm rất lớn từ mọi thành phần, nhất là các doanh nghiệp và nông dân.
Xuyên suốt quá trình hình thành chính sách, pháp luật về đất đai, có thể nhận thấy, các chủ trương, chính sách dần hướng đến mở rộng hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) và bảo đảm tính ổn định đối với QSDĐ của các chủ thể nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện chính sách tích tụ và tập trung đất đai. Cụ thể, từ sau Luật Đất đai 2013, tuy vẫn giữ hạn mức giao đất, nhưng đã mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng QSDĐ và thời gian sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân theo hướng cho phép hộ gia đình, cá nhân được phép nhận chuyển nhượng QSDĐ không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp; đồng thời nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ gia đình từ 20 năm lên 50 năm cho tất cả các loại đất.
Tuy nhiên, nếu nói đến tích tụ đất đai cho nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, thay đổi từ các chính sách của Nhà nước. Đơn cử như quan điểm về hạn mức nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, nhiều người cho rằng, cần nới rộng hạn mức nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân so với quy định hiện hành và tăng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần loại bỏ quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng QSDĐ của hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lo lắng khi cho rằng, việc tích tụ ruộng đất nếu không có chính sách hợp lý, thì sẽ hình thành nên những “địa chủ mới”, không ít nông dân sẽ không còn làm chủ trên chính mảnh đất của mình…
Cánh đồng lúa vào mùa thu hoạch ở xã Phong Tân (TX. Giá Rai). Ảnh minh họa: K.K
CẦN PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG TƯ DUY ĐỘT PHÁ
Với mục tiêu phát triển ĐBSCL nhanh, bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; xác định “nông nghiệp là động lực, nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng”, “chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận phát triển theo hướng “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng”, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai theo hướng phát triển thị trường QSDĐ trong nông nghiệp; tạo thuận lợi cho tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh và hiệu quả cao, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; thiết lập các cơ chế thuận lợi để hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp tiếp cận đất đai hình thành các vùng sản xuất, chế biến nông sản tập trung. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng quy mô cho vay, giảm thủ tục vay; tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Người dân Bạc Liêu đang trông chờ những chính sách trên sớm được triển khai và áp dụng vào thực tiễn, đó cũng là lúc để nông dân tỉnh nhà sớm hòa nhập và tiếp cận được nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với sản lượng hàng hóa nông nghiệp dồi dào, quy mô lớn.
KIM KIM
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau