Thu chi tài chính trong tổ chức lễ hội: Làm thế nào cho đúng?

Thứ Tư, 01/02/2023 | 17:22

Một trong những chính sách vừa được ban hành đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận chính là việc quản lý thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Bởi đây là những vấn đề rất dễ phát sinh những tiêu cực, nếu không được quy định và quản lý rõ ràng.

Thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội

Thông tư 04/2023/TT-BTC quy định nguồn tài chính để tổ chức lễ hội gồm tiền công đức, tài trợ cho hoạt động lễ hội; hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; thu từ hoạt động dịch vụ trong khu vực tổ chức lễ hội, bao gồm cho thuê địa điểm bán hàng lưu niệm, dịch vụ ăn uống, quay phim, chụp ảnh, trông giữ xe, vận chuyển du khách và dịch vụ khác phù hợp với quy định của địa phương; tiền lãi phát sinh trên tài khoản tiền gửi mở tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại theo quy định; ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với lễ hội truyền thống (nếu có).

Đối với hoạt động chi, được chi các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá về lễ hội; chi phí treo, đặt các bảng, biển chỉ dẫn, trang trí, âm thanh, ánh sáng tạo sức hấp dẫn đối với khách tham gia, nghiên cứu lễ hội; chi phục dựng, trình diễn, biểu diễn và thực hiện nghi lễ truyền thống; chi ứng dụng khoa học - công nghệ trong tổ chức lễ hội; chi tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể thao, hội nghị, hội thảo và các sự kiện giới thiệu về giá trị văn hóa của lễ hội; chi công tác bảo đảm an ninh trật tự, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ trong khu vực lễ hội; chi văn phòng phẩm, in ấn, phô-tô tài liệu, tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, cước phí bưu chính, cước phí Internet, lễ tân, khánh tiết, tiền sử dụng dịch vụ kỹ thuật, thuê địa điểm, thiết bị, nhân sự phục vụ sự kiện và thuê khác; chi thù lao cho các thành viên của Ban tổ chức lễ hội và những người được Ban tổ chức lễ hội cử tham gia hoạt động lễ hội; chi hương, hoa, lễ vật, đèn nhang; chi hoạt động từ thiện, nhân đạo; các khoản chi khác tùy theo thực tế của từng lễ hội.

Miếu Bà Thiên Hậu (Phường 3, TP. Bạc Liêu) - di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Ảnh minh họa: K.P

Tiền công đức, tài trợ phải mở sổ ghi chép đầy đủ

Theo quy định, tiền công đức, tài trợ được tiếp nhận qua các hình thức mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Tiếp nhận tiền mặt thì phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung. Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.

Nếu tiếp nhận kim khí quý, đá quý phải mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng kim khí quý, đá quý, bao gồm tổ chức bán đấu giá, bán cho ngân hàng thương mại hoặc đưa vào lưu giữ, trưng bày tại di tích, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho.

Kim Kim

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.