Tòa Soạn - Bạn đọc
Thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ: Người dân mong sớm được hỗ trợ
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết (NQ) 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tổng giá trị gói hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng. Trước thông tin này, người lao động, nhất là lao động tự do rất phấn khởi và mong chờ chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Cần sớm triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng để lao động nghèo và doanh nghiệp vơi bớt khó khăn. Trong ảnh: Lao động thời vụ làm việc trên một cánh đồng trồng dưa hấu ở huyện Hồng Dân. Ảnh: C.L
Dịch COVID-19 kéo dài khiến cuộc sống của người nghèo, lao động tự do, nhất là lao động ngoài tỉnh về quê tránh dịch càng thêm khó khăn, vất vả. Tác động của dịch COVID-19 thể hiện rõ hơn trên đôi mắt đượm buồn của hết thảy những người mà tôi gặp để tìm hiểu về cuộc sống của họ trong những ngày giãn cách xã hội. Chị Út Bi (Phường 5, TP. Bạc Liêu) tâm sự: “Trước khi dịch bệnh bùng phát, tôi vừa phụ bán quán ăn, vừa nhận việc về nhà làm thêm, nên thu nhập mỗi tháng cũng được khoảng 4 - 4,5 triệu đồng, tạm đủ chi tiêu trong gia đình. Nhưng từ khi thực hiện giãn cách đến nay thì không có việc gì để làm, khoản tiền tích cóp của 2 vợ chồng mấy năm nay cũng xài sắp hết rồi. Dịch kéo dài vậy hoài không biết lấy gì mà sống đây!”.
Cùng chung cảnh ngộ với chị Bi, ông Nguyễn Văn Xem (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) làm nghề lao động tự do nhưng nay đã không còn tìm được việc, vì hầu hết những nơi ông làm trước đây đều đã đóng cửa tránh dịch. Ông Xem bộc bạch: “Trước làm ngày nào ăn ngày đó. Giờ dịch bệnh diễn biến phức tạp, có ai mướn mình làm gì đâu. Mà giờ đi lại cũng khó khăn vì thực hiện giãn cách”.
Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện NQ 42 ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Chính phủ đã xem xét rất thấu đáo khi triển khai NQ 68 với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Lần hỗ trợ này tập trung vào hai đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Thiết kế chính sách theo các nguyên tắc minh bạch, dễ dàng, nhanh gọn nhất và tiện lợi nhất.
Tuy nhiên, để chính sách này sớm được triển khai và trở thành “phao cứu sinh” cho những gia đình, người lao động, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các cấp, các ngành cần đẩy nhanh hơn nữa việc thẩm định đối tượng, giải quyết các thủ tục một cách nhanh chóng để tránh nhầm lẫn, bỏ sót đối tượng nhằm phát huy đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Chị Trần Thanh Liên, chủ một cửa hàng thời trang ở Phường 3 (TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Nằm trong diện được thụ hưởng chính sách của Nhà nước từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, tôi thấy đây là “món quà” vô cùng quý giá giúp gia đình chúng tôi vượt qua khó khăn trước mắt”.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, người lao động nghèo và người sử dụng lao động sẽ phải tiếp tục đối mặt với khó khăn. Do đó, sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời từ gói 26.000 tỷ đồng của Nhà nước đến tay người dân lúc này là rất ý nghĩa.
Khôi Nguyên
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024