Tòa Soạn - Bạn đọc
Tiền cấp dưỡng nuôi con cần được quy định cụ thể hơn trong luật
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình, trong đó có đề xuất mới về tiền cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn. Đây là một trong những vấn đề thực tế được khá nhiều người quan tâm, nhất là khi nó ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em. Trên thực tế, nếu một bên phải cấp dưỡng không thỏa thuận được, phải để tòa án xét xử thì số tiền tuyên cấp dưỡng thường rất thấp, mức tối thiểu chỉ bằng 1/2 mức lương cơ sở, tức là chỉ khoản 745.000 đồng/tháng.
Nhiều người phụ nữ sau phiên tòa xử ly hôn của mình, cứ thẫn thờ khi nhìn vào số tiền tòa án tuyên cấp dưỡng nuôi con. Chị T.L.N cười chua chát: “Chỉ chưa tới 800.000 đồng/tháng, với 1 đứa bé 2 - 3 tuổi, thì làm được gì? Tiền mua sữa cho con uống thôi còn không đủ, đừng nói đến ăn mặc, chăm sóc…”. Không phải chồng chị N. không có khả năng chu cấp, nhưng vì người này không tự nguyện cấp dưỡng, trong khi lại không có thu nhập cố định từ lương, do làm chung với gia đình, cha mẹ… nên khó tính được thu nhập. Trên cơ sở lời khai của người chồng, tòa án chỉ đành dựa theo mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng để tính mức tiền cấp dưỡng. Đây cũng chính là một trong những bất cập liên quan đến việc giải quyết tranh chấp tiền cấp dưỡng nuôi con trên thực tế.
Ảnh minh họa: Internet
Điều 116, Luật Hôn nhân và gia đình, quy định: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”. Khi phải nhờ tòa án giải quyết thì tại hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao “mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con tối thiểu không dưới 1/2 mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm đối với một người con”. Chính vì có hướng dẫn này, nên nhiều tòa án khi xét xử đã áp luôn mức 1/2 mức lương tối thiểu (đây là mức thấp nhất) để buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo mức này mà cấp dưỡng nuôi con, thật sự không đảm bảo các chi phí nuôi con trên thực tế hiện nay.
Từ thực tiễn này, mới đây tại dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quy định, tiền cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định mức cấp dưỡng ít nhất bằng 2/3 mức lương cơ sở. Theo đó, tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tòa án quyết định mức cấp dưỡng ít nhất bằng 2/3 mức lương cơ sở và không được thấp hơn 30% mức thu nhập bình quân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong 6 tháng liền kề.
Anh T.N.T (Phường 2, TP. Bạc Liêu) dù đã ly hôn, nhưng mỗi tháng anh vẫn gửi vợ cũ tiền cấp dưỡng nuôi con là 3 triệu đồng. Ngoài ra, anh thường xuyên mua sắm đồ đạc, sữa, phụ vợ cũ đóng tiền học cho con. Nói về mức tiền trợ cấp nuôi con chỉ 2/3 mức lương tối thiểu như dự thảo, anh T. cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp với thực tế cuộc sống. Những người tự nguyện đóng góp thì không nói làm gì. Còn đối với những người, nuôi con mình mà còn cò kè “bớt một thêm hai” đề nghị, luật phải quy định theo nguyên tắc: không tự nguyện thỏa thuận thì mức đóng cao hơn, ví dụ: 1 lần hoặc 1,5 lần mức lương cơ sở. Bên cạnh đó, việc quy định mức cấp dưỡng nuôi con cần quy định cụ thể, rõ ràng trong luật, để tránh tình trạng tùy nghi khi áp dụng và cũng là để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ em.
Kim Kim
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau