Tòa Soạn - Bạn đọc
Trách nhiệm của công dân với mạng xã hội
Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, trong đó, nhiều hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến người sử dụng mạng xã hội (MXH). Nắm được các điều cấm quy định trong Luật An ninh mạng sẽ giúp người dùng Facebook, Zalo nói riêng và các MXH khác nói chung tránh được nguy cơ phạm luật.
Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Chí Vững về tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ảnh: K.P
Ngày 26/11/2019, TAND tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa công khai, xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Chí Vững với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bị cáo Nguyễn Chí Vững (sinh năm 1981, quê quán tỉnh Cà Mau; ngụ xã Định Thành, huyện Đông Hải) bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố ngày 16/4/2019.
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Vững hành nghề sửa chữa, kinh doanh điện thoại di động. Trước khi bị bắt, Vững quản lý một cửa hàng kinh doanh, sửa chữa điện thoại di động tại xã Định Thành. Thường xuyên tiếp xúc với Internet, với công nghệ thông tin, trong khi bản thân không đủ trình độ nhận thức, Vững nhanh chóng trở thành con mồi để những nhóm đối tượng phản động “chăm sóc”, tuyên truyền những luận điệu sai trái.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra phát hiện Vững đã nhiều lần đăng tải các thông tin sai trái lên trang cá nhân của mình, cụ thể là trang Facebook, Zalo. Đối tượng Vững đã phát trực tiếp (livestream) 5 lần, cho nhiều đối tượng xem, nội dung bịa đặt những thông tin sai sự thật như phản đối Luật An ninh mạng, phản đối các chính sách, kêu gọi biểu tình… Bị cáo Vững bị phạt 6 năm tù, mức án đó đã được giảm nhẹ nhiều do đối tượng đã nhận rõ sai phạm của mình. Theo lời bị cáo, do suy nghĩ trang cá nhân của mình, mình muốn nói gì cũng được…
Không chỉ riêng bị cáo Vững, trên thực tế còn rất nhiều người dùng MXH cũng có chung suy nghĩ: trang cá nhân của mình, mình muốn nói gì, viết gì thì viết, thì nói. Thậm chí livestream, mắng chửi cá nhân này, tổ chức kia…, chỉ đến khi dính líu đến pháp luật, kịp hiểu ra thì đã muộn.
Điểm d, Điều 8, Luật An ninh mạng cấm hành vi: "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác". Tuy trang cá nhân là của công dân, nhưng không phải công dân muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói. Bởi bên cạnh trách nhiệm của một công dân, còn có trách nhiệm chung của cộng đồng xã hội, trách nhiệm với Nhà nước. Như vậy, thật là tai hại khi sử dụng MXH mà thiếu kiến thức pháp luật, thiếu trách nhiệm bản thân dẫn đến vi phạm pháp luật. Trong khi càng ngày, những quy định pháp luật liên quan đến vấn đề trên càng chặt chẽ, với những chế tài nghiêm minh.
Riêng đối với cán bộ, công chức - những người có điều kiện và có hiểu biết nhất định về pháp luật, lại hiểu rõ vai trò, cương vị của mình trong tổ chức, trách nhiệm với cộng đồng, thiết nghĩ, mỗi chúng ta phải xác định mình là những người có khả năng dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội. Từ đó phải xác định rõ trách nhiệm của mình khi sử dụng MXH, sử dụng tài khoản cá nhân một cách hiệu quả, tuân thủ pháp luật.
Rõ ràng, mặc dù được gọi là không gian ảo, tuy nhiên, với những gì hiện tại đã chứng minh, MXH không hề ảo, mà trái lại có tác động mạnh, trực tiếp đến con người, bởi đằng sau đó là những con người thật đang dùng!
Kim Kim
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long