Tòa Soạn - Bạn đọc
Vấn đề bao tiêu sản phẩm cho nông dân: Để đôi bên cùng có lợi
Tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận được kiến nghị của cử tri xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) liên quan đến vấn đề bao tiêu sản phẩm. Cử tri cho rằng, thời gian qua người nông dân thực hiện bao tiêu sản phẩm (như lúa gạo) với doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp lại không thực hiện hợp đồng. Một số người dân bán lúa không được, hoặc bán được nhưng không lấy được tiền, thưa kiện lại không được giải quyết. Đề nghị cơ quan cấp tỉnh đề xuất biện pháp xử lý những trường hợp này, đảm bảo cho bà con được an tâm sản xuất.
Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát ngành Nông nghiệp nói riêng và các ngành có liên quan, các địa phương tăng cường xây dựng chuỗi giá trị sản xuất thông qua việc tổ chức mời gọi hợp tác, liên kết với doanh nghiệp để thúc đẩy xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu nông sản (đặc biệt lúa gạo) cho bà con nông dân, lồng ghép vào các chương trình khuyến nông hằng năm và các chương trình khác (đặc biệt là Chương trình sử dụng nguồn kinh phí từ chính sách bảo vệ và phát triển cây lúa nước).
Cử tri nêu ý kiến về các vấn đề liên quan đến đầu ra cho các sản phẩm của nông dân. Ảnh: K.P
Có doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu cho nông dân, cũng có trường hợp nông dân và doanh nghiệp tự ký kết hợp đồng với nhau nhưng không báo cho chính quyền địa phương, ngành chức năng biết để giám sát. Khi giá lúa trên thị trường biến động nhiều thì xảy ra tình trạng dễ phá vỡ hợp đồng, một số công ty tham gia liên kết bao tiêu lúa nhưng đến cuối vụ thì không thực hiện đúng theo hợp đồng thu mua ban đầu. Từ đó có tình trạng như nội dung phản ánh của cử tri xã Vĩnh Phú Đông, đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi nhuận cuối vụ của bà con nông dân. Ngay cả khi công ty phá vỡ hợp đồng, nông dân báo chính quyền địa phương nhưng chính quyền cũng gặp khó khăn khi giải quyết. Đây thật sự là điều đáng tiếc xảy ra trong việc thực hiện liên kết bao tiêu.
Để giải quyết tình trạng này, ngành chức năng tuyên truyền, vận động bà con nông dân nên tham gia vào các hợp tác xã và cử người đại diện ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, ngành chức năng để tham gia giúp bà con giải quyết khi có xảy ra tranh chấp. Trong quá trình ký kết hợp đồng, cần ghi điều khoản chung với nội dụng: Trong quá trình thực hiện, nếu có thay đổi, hai bên phải thông báo cho nhau để cùng giải quyết, bên nào vi phạm hợp đồng phải bồi thường thiệt hại cho bên kia. Nếu không có hợp đồng, khi doanh nghiệp không mua hoặc phá vỡ hợp đồng thì không giải quyết, xử lý theo pháp luật được. Ngoài ra, bà còn cũng cần đặc biệt chú ý, trong quá trình thực hiện hợp đồng phải có thêm hợp đồng cụ thể về giá; nếu doanh nghiệp mua giá thấp hơn theo giá thỏa thuận trong hợp đồng ban đầu thì không thực hiện hợp đồng, đồng thời kết hợp báo cáo với chính quyền địa phương.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thực hiện công tác truyền thông để làm hạn chế tối đa xảy ra tình trạng này. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân trong việc thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản, rất mong bà con nông dân tích cực phối hợp tốt với chính quyền địa phương, ngành chức năng trong việc thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Về phía doanh nghiệp, khi đến thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đề nghị cần báo cáo để chính quyền địa phương được biết.
KIM TUẤN (thực hiện)
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh