Vì sao tranh chấp đất đai ngày càng gia tăng?

Thứ Năm, 21/01/2016 | 10:17

Theo TAND tỉnh Bạc Liêu, số án dân sự mà ngành Tòa án tỉnh phải thụ lý mỗi năm tăng hơn 10%. Trong đó phần lớn là tranh chấp đất đai và số nhiều thuộc dạng tranh chấp với nhau trong gia đình, dòng tộc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng số vụ tranh chấp đất đai, nhưng cơ bản xuất phát từ vấn đề kinh tế.

Thanh tra tỉnh tổ chức đối thoại với người dân tranh chấp đất đai. Ảnh: M.N

Gắn bó với ngành Tòa án hơn 30 năm, ông Dương Công Lập - Chánh án TAND tỉnh đúc kết: “Chưa lúc nào tranh chấp đất đai lại diễn ra nhiều như hiện nay. Lùi lại thời gian những năm 1985 về trước, gần như không có án dân sự nào tranh chấp đất đai mà ngành Tòa án phải thụ lý. Giai đoạn những năm 2000 - 2005, án dân sự về đất đai xuất hiện rải rác nhưng chưa nhiều. Phổ biến nhất là từ năm 2010 đến nay, trong đó tranh chấp đất đai giữa các thành viên trong gia đình, dòng tộc đang trở thành hiện tượng điển hình”.

Ông Lập phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất là do nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng dẫn đến đất đai ngày càng có giá trị. Giá đất do Nhà nước quản lý cũng tăng thường xuyên. Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ vấn đề kinh tế, đồng tiền đã đưa chuẩn mực đạo đức, đạo lý gia đình, dòng tộc trở nên thứ yếu. Có thể dẫn chứng nhiều vụ việc: Sau khi người có tài sản (cha, mẹ, ông, bà…) qua đời, thế hệ con cháu, những người thân thích trong gia đình, dòng tộc sẵn sàng hủy bỏ thỏa thuận dân sự về tài sản đất đai trước đó liên quan đến thừa kế. Điều đó dẫn đến rất nhiều hợp đồng tặng cho tài sản không có hiệu lực. Từ thành thị đến nông thôn, đất đai ngày càng có giá nên có những vụ chỉ cần vài chục, vài trăm, thậm chí vài mét vuông đất, anh em trong nhà cũng kéo nhau ra tòa. Theo đánh giá của những người làm công tác xét xử, luân thường, đạo lý ở nhiều gia đình chưa bao giờ rạn nứt nghiêm trọng như trong thời gian gần đây. Tất cả cũng vì tranh chấp, tranh giành nhau về đất đai.

Nguyên nhân gia tăng số vụ tranh chấp đất đai không dừng ở đó mà theo ông Dương Công Lập, nó còn do trình độ dân trí ngày một nâng lên. Khi đó, người dân bắt đầu quay lại xem xét những thủ tục, quan hệ pháp lý, hợp đồng dân sự cũ được xác lập trước đó không đúng quy định để khởi kiện giành lại quyền lợi cho mình. Trên thực tế đã có rất nhiều hợp đồng mua bán bị tòa tuyên vô hiệu do không đúng về mặt thủ tục. Cụ thể, đất đai là tài sản đặc biệt, cho nên Nhà nước quy định khi chuyển nhượng bắt buộc phải làm thủ tục theo đúng biểu mẫu, còn việc chuyển nhượng với nhau thông qua “giấy tay” xem như vô hiệu. Trong trường hợp ấy, thông thường Tòa án sẽ tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong vòng 1 tháng để hai bên làm lại thủ tục cho đúng quy định pháp luật. 

Một góc độ khác, trong khi Luật Đất đai quy định, nếu đất đó là tài sản chung của vợ chồng thì khi chuyển nhượng bắt buộc phải có chữ ký cả hai người. Còn nếu đất đó là tài sản chung của gia đình thì việc chuyển nhượng cũng phải có đầy đủ chữ ký của các thành viên trong gia đình. Hoặc Luật Đất đai quy định thành viên trong gia đình từ 15 tuổi trở lên được quyền tham gia ký kết hợp đồng, có quyền định đoạt tài sản nên nếu bỏ qua người đó thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng bị vô hiệu. TAND tỉnh cho rằng, rất nhiều vụ việc như vậy đã trở thành vấn đề kiện tụng ra tòa ngày càng nhiều hơn mà cơ bản là do sự thay đổi về trình độ dân trí, am hiểu pháp luật của người dân.    

Một nguyên nhân khác mà những người làm công tác xét xử đề nghị phải xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên đứng đằng sau những vụ kiện tụng về đất đai để vụ lợi. Điều này cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm nếu đã có bằng chứng cụ thể. Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Trần Thanh Phong - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ, cho rằng các cơ quan báo chí và ngành chuyên môn cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật bằng nhiều cách gần gũi với người dân. Từ những việc nhỏ nhất như chỉ ra loại hợp đồng nào đúng luật, hợp đồng nào không đúng luật hoặc hành vi pháp lý nào cần được điều chỉnh cho phù hợp… Khi người dân càng am hiểu pháp luật thì chắc chắn tranh chấp dân sự, nhất là đất đai ở Bạc Liêu sẽ giảm dần. 

HỮU DUYÊN 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.