Tòa Soạn - Bạn đọc
Vì sao xe buýt nội tỉnh chưa hoạt động trở lại?
UBND tỉnh đã cho xe buýt nội tỉnh được phép hoạt động trở lại gần một tháng qua. Tuy nhiên, do vướng quy định và gặp nhiều khó khăn trên thực tế dẫn đến các tuyến xe buýt cố định chưa hoạt động phục vụ người dân.
Xe buýt chuẩn bị xuất bến tại một địa điểm đón khách trên đường Võ Thị Sáu (Phường 3, TP. Bạc Liêu) trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: T.Đ
Ông Hứa Minh Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ vận tải Đại Thắng II, cho biết: Trong văn bản hướng dẫn của Sở GT-VT yêu cầu tái xế và nhân viên phục vụ trên xe buýt phải xét nghiệm SARS-CoV-2 7 ngày/lần. Trong khi đó, văn bản không nói gì tới: nếu tài xế, nhân viên phục vụ được tiêm vắc-xin thì có được miễn xét nghiệm? Hiện tại, toàn bộ 648 tài xế và nhân viên phục vụ trên xe buýt của HTX đều đã được tiêm vắc-xin. Trong đó, 44 tài xế vận tải hàng hóa “luồng xanh” đã được tiêm đủ 2 mũi, số còn lại đã tiêm mũi 1. Nếu thực hiện đúng quy định này, trong thời gian một tháng, mỗi chiếc xe buýt, cả tài xế và nhân viên phục vụ phải tốn gần 2 triệu đồng chi phí xét nghiệm. Số tiền này do tài xế và nhân viên phục vụ tự chi trả nên không có khả năng.
HTX dịch vụ vận tải Đại Thắng II có 3 tuyến cố định dành cho xe buýt gồm: tuyến Phú Lộc - Láng Trâm, Bạc Liêu - Trần Đề và Bạc Liêu - Cầu Đỏ. Lãnh đạo HTX cho biết, 2 tuyến cố định dính tới tỉnh Sóc Trăng xem như chưa bàn tới. Chỉ còn một tuyến nội tỉnh Bạc Liêu - Cầu Đỏ có 12 xe hoạt động, mất đi nguồn thu khá lớn. Trong khi đó, cái khó lớn nhất là hoạt động vận tải này hiện tại chỉ được khai thác dưới hoặc bằng 50% công suất (chuyến/lượt hoặc số chỗ trên phương tiện), lại phải tốn thêm chi phí tiêu độc, khử trùng phương tiện hằng ngày, tự trang bị dụng cụ bảo hộ…
Đó là chưa kể tâm lý người dân còn ngán ngại đi phương tiện công cộng do sợ lây lan dịch bệnh. Thêm vào đó, học sinh, sinh viên là khách hàng ổn định của xe buýt chưa được đến trường, cơ quan chức năng thì đang khuyến cáo người dân hạn chế đi lại nếu không thật sự cần thiết. Theo quy định, xe buýt đi ngang địa bàn vùng cam (cấp độ nguy cơ cao) thì không được dừng đổ, đón trả khách. Như vậy, nhà xe phải mất thêm một lượng khách trên địa bàn này. Trên thực tế, vùng cam thay đổi liên tục nên bản thân tài xế cũng chưa chắc nắm được nơi nào giáp ranh với vùng cam để tuân thủ đúng quy định.
Xuất phát từ thực tế hiệu quả thấp (thậm chí thua lỗ), chi phí cao (thu không đủ chi) cộng với nguy cơ cao về dịch bệnh, trong khi hoạt động xe buýt ở tỉnh Bạc Liêu không được trợ giá chính là nguyên nhân khiến cho xe buýt chưa thể hoạt động. Ban lãnh đạo HTX đã nhiều lần tổ chức họp xã viên là chủ phương tiện để động viên họ đưa xe vào hoạt động nhưng không nhận được sự đồng thuận cao. Hầu hết đều là nguyên nhân khách quan, nên thay mặt đội ngũ xe buýt của HTX dịch vụ vận tải Đại Thắng II, ông Hứa Minh Đức bày tỏ mong muốn nhận được sự cảm thông, chia sẻ khó khăn từ phía người dân, hành khách có nhu cầu tham gia dịch vụ vận tải này.
Tấn Đạt
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024