Tòa Soạn - Bạn đọc
Xe chở tôm xả thải “chui”
Một số hộ dân ở ấp 14 (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình - đoạn gần Trại thực nghiệm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh) phản ánh, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều xe chở tôm xả nước thải xuống ven đường ở khu vực này. Điều đáng nói là, số nước thải này bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân quanh đây.
Vô tư xải nước thải
“Cánh tài xế xe tải xem nơi đây như bãi xả của nhà họ vậy, hễ đến điểm vắng người qua lại là vô tư mở van xả nước thải, chất thải ra ngoài. Khu vực này bị ô nhiễm không chịu nổi, mùi hôi thối cứ bốc lên nồng nặc vào ngày nắng cũng như ngày mưa. Tôi rất mong ngành chức năng tăng cường kiểm soát và xử lý dứt điểm tình trạng này, trả lại cuộc sống yên lành như trước đây”, anh Phạm Phi Hùng, một người dân sống ở khu vực ấp 14, bức xúc cho biết. Cũng theo người dân nơi đây, vào thời điểm vắng người như sáng sớm, trưa, hay khi tối trời thì các xe tải chở tôm nguyên liệu sau khi giao hàng xong lại đến khu vực ấp 14 để đổ các thùng nước thải xuống ven đường. Mỗi ngày đều có từ 5 - 7 chiếc xe, mỗi xe xả khoảng 10 thùng nước thải. Đây là nước lạnh để bảo quản tôm nguyên liệu trong quá trình di chuyển nên nước có mùi hôi tanh khá nặng. Tình trạng xả thải đã diễn ra trong thời gian dài, không chỉ làm mất vệ sinh nơi bị xả thải mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sinh sống trong khu vực.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh lấy mẫu nước thải từ xe chở tôm do tài xế Bửu điều khiển ở ấp 14, xã Vĩnh Mỹ B, (huyện Hòa Bình).
Mới đây, nhận được phản ánh của người dân, Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng huyện Hòa Bình đã tổ chức mật phục, bắt quả tang xe ô tô tải chở tôm đông lạnh mang biển kiểm soát 94C-028.89, do tài xế Nguyễn Hoàng Bửu điều khiển đang xả nước thải “chui” tại khu vực nói trên. Tại buổi làm việc, tài xế Bửu khai nhận số hàng trên xe (gồm 11 thùng phuy đựng tôm) là chở thuê cho một công ty sơ chế tôm có địa chỉ ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Tài xế này cũng không xuất trình được các loại giấy tờ có liên quan đến lô tôm đang vận chuyển. Đoàn đã tiến hành lấy mẫu nước để kiểm nghiệm và lập biên bản xử lý vụ việc.
Đe dọa môi trường sống
Trong những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa, sự phát triển của các nhà máy, xí nghiệp, tình trạng xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng. Tại nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp đang vô tình hoặc cố ý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý chất thải, khí thải nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó với cơ quan chức năng đang khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vấn đề xả thải chưa qua xử lý ra môi trường khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp, hoa màu của người dân bị ảnh hưởng. Đây thật sự đang là vấn đề nhức nhối, đe dọa môi trường sống của người dân.
Nguyên nhân chính được cho là trong lĩnh vực xử lý chất thải, do những khó khăn trong sản xuất - kinh doanh cũng như vì chỉ chú ý đến lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp không chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Ngoài việc không đầu tư xử lý chất thải theo đúng quy định, phương thức, thủ đoạn của các doanh nghiệp ngày càng tinh vi, cố tình gây ra các sự cố để xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Việc bảo vệ môi trường, đấu tranh lên án hành vi đổ trộm chất thải nói chung, chất thải công nghiệp chưa qua xử lý nói riêng là nhiệm vụ của tất cả mọi người. Trong đó, vấn đề cốt lõi là tăng cường tuyên truyền để mỗi người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của môi trường sống và ý thức trách nhiệm trước cộng đồng. Đồng thời, để xử lý vấn nạn này cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng và sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
Các thành viên trong đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh lập biên bản xử lý hành vi xả thải “chui” của tài xế Nguyễn Hoàng Bửu (bìa trái). Ảnh: C.L
Ông Trần Văn Thống - Trưởng phòng TN-MT huyện Hòa Bình, cho biết: “Để chấm dứt tình trạng xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, trả lại môi trường sống trong lành cho bà con trong khu vực, thiết nghĩ rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng, chẳng hạn như tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Về phía người dân, cần nêu cao tinh thần cảnh giác, giúp đỡ lực lượng chức năng trong việc thông báo kịp thời các phương tiện vi phạm, như: ghi biển số xe, hướng chạy, thời gian chạy để giúp lực lượng chức năng mật phục, truy bắt và xử lý kịp thời”.
Bên cạnh xử lý nghiêm các hành vi đổ trộm chất thải, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường; đặc biệt, cần xử lý nghiêm minh đối với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Theo đó, cần có một chế tài chặt chẽ hơn, quyết liệt và mạnh tay hơn để răn đe đối tượng vi phạm, góp phần bảo vệ môi trường sống trong lành cho mọi người.
…………….............................................................................................................................................................................................................
Theo quy định tại Điều 12, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
“Điều 12. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh và dịch vụ tập trung, làng nghề và khu nuôi trồng thủy sản... Hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải có một trong các thông số môi trường vượt từ 10 - 20% tiêu chuẩn quy định tiếp nhận nước thải của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp; phạt tăng thêm 10% của mức phạt tiền quy định tại điểm này đối với trường hợp nước thải vượt từ 20 - 30%; phạt tăng thêm 20% đối với trường hợp nước thải vượt từ 30 - 40%…
Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với hành vi xả trái phép nước thải không qua xử lý vào hệ thống thoát nước mưa của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp”.
Quy định trên có nêu rõ là nếu xả thải vượt quá tiêu chuẩn quy định tiếp nhận nước thải của chủ đầu tư thì vẫn phạt hành chính như bình thường, tất nhiên là đồng thời cũng phải chịu chi phí xử lý cao hơn nữa.
………………..........................................................................................................................................................................................................
Chí Linh
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh