Xin đừng bức tử những dòng kênh

Thứ Tư, 07/06/2023 | 16:50

Tuyến kênh Bửu I, Bửu II thuộc địa bàn xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) đang bị bức tử bởi tình trạng xả thải từ những hộ nuôi tôm công nghiệp, cơi nới nhà cửa lấn chiếm lòng kênh của người dân sống hai bên bờ. Đáng báo động là rác thải được tuồn thẳng xuống kênh khiến cho dòng chảy bị tắc nghẽn, nước đen ngòm, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Một đoạn kênh Bửu I bị bồi lắng, rác thải dày đặc khiến dòng chảy bị tắc nghẽn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân. Ảnh: C.L

NGOẮC NGOẢI BÊN NHỮNG DÒNG KÊNH CHẾT

Người dân địa phương cho biết, trước đây 2 tuyến kênh này dài khoảng 10km, từng rộng hơn 6m và sâu đến 4m, thông trực tiếp ra kênh số 4 chảy ra biển. Dòng chảy thông thoáng nên đây là nguồn nước phục vụ sản xuất chính của người dân trong vùng. Tuy nhiên, hiện nay 2 tuyến kênh này trở thành những dòng kênh… chết. Bởi, dù nắng hay mưa, dù nước ròng hay nước lớn thì dòng chảy vẫn vậy, chỉ có lượng rác thải, nước thải, bùn thải là ngày một nhiều thêm.

Nhiều người dân chịu không nổi cảnh phải sống chung với con kênh ô nhiễm và tình trạng sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên đã nhiều lần phản ánh lên các cấp có thẩm quyền, nhưng thời gian trôi qua, dòng chảy của 2 con kênh Bửu I, Bửu II vẫn “nằm im, bất động”. Thậm chí, có nhiều hộ còn tìm đến tận nơi để trao đổi với những người nuôi tôm công nghiệp, mong họ đừng tiếp tục xả thải ra kênh, để mọi người có thể “mót” chút nước còn sót lại, bơm dẫn vào ao, lắng lọc, xử lý để có thể bắt đầu vụ nuôi, nhưng rồi đâu cũng vào đó.

Để có nước sản xuất, nhiều hộ nuôi tôm trong vùng phải tự thuê xáng cuốc, múc sâu đoạn kênh trước nhà để “trữ nước”. Thế nhưng, giải pháp tình thế này cũng không thể duy trì được lâu. Ông L.V.D (ấp Bửu II, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) bức xúc: “Muốn nuôi tôm, nuôi cá hay canh tác gì thì cũng cần có nguồn nước sạch, thế nhưng tuyến kênh này đã bị bồi lắng, ô nhiễm hơn 3 năm nay rồi mà không thấy chính quyền địa phương quan tâm nạo vét, khơi thông dòng chảy giúp người dân. Cứ tiếp tục như vậy hoài thì còn làm ăn gì được nữa, người dân trong ấp này chắc phải treo ao hoặc bán đất mà mua gạo sống qua ngày. Giờ tôi mong các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết tình trạng xả thải, vứt rác bừa bãi, khơi thông dòng chảy để người dân chúng tôi có nguồn nước sạch phục vụ sản xuất”.

Không riêng gì tuyến kênh Bửu I, Bửu II, mà nhiều tuyến kênh nội đồng ở khu vực gần cầu Làng Hưu (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) cũng đang phải chịu chung số phận. Thậm chí, nhiều hộ còn mang cả xác, đầu vỏ tôm đang phân hủy ra đổ cặp mé kênh khiến cho mùi hôi thối có thể ngửi thấy từ hàng cây số. Ông P.V.D (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) nói: “Cùng là người nuôi tôm như nhau, thay vì cùng nhau giữ cho môi trường nước, không khí sạch sẽ để không phải ảnh hưởng đến mọi người xung quanh thì họ lại đi xả thải, tôm chết ra môi trường. Mà tình trạng này đã diễn ra khá lâu rồi, nhưng vẫn không thấy chính quyền địa phương quan tâm, xử lý. Giờ thì nguồn nước khu vực này ô nhiễm nghiêm trọng, không ai dám dẫn nước vào để nuôi, hoặc phải tốn kém rất nhiều chi phí để xử lý”.

CẦN CÓ BIỆN PHÁP XỬ LÝ, NGĂN CHẶN

Để trả lại dòng chảy và màu “xanh” cho những dòng kênh đang hấp hối, thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo, nạo vét là một trong những việc cần làm nhưng chưa đủ. Cần phải có các chế tài đủ mạnh, làm quyết liệt thì mới mong dần khôi phục lại sự sống cho các dòng kênh. Cụ thể là bắt buộc các hộ nuôi tôm công nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải đạt chuẩn và xem đây là điều kiện bắt buộc để được cấp phép thực hiện mô hình. Ban hành quy ước ứng xử với môi trường tự nhiên và không xả rác. Quy ước đặt ra phải đi kèm theo hình phạt cụ thể, bắt buộc phải tuân thủ. Hình thức chế tài phải mang tính răn đe cao, áp dụng mức phạt gấp nhiều lần và thậm chí lên đến hàng chục lần chi phí xử lý nước thải, chất thải. Tổ chức hoặc cá nhân vi phạm phải bồi thường thiệt hại gây ra, bên cạnh đó phải nộp lại số lợi nhuận do vi phạm. Bổ sung các trường hợp tái phạm sẽ bị rút giấy phép hoạt động, xử lý hình sự đối với đối tượng vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Bảo vệ môi trường nếu chỉ tuyên truyền suông chưa đủ, khó thuyết phục những thói quen cố hữu. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng, quản lý nhà nước cần thiết kế hệ thống kiểm soát theo cơ chế đặc thù, phù hợp thực tế, xử lý nghiêm các trường hợp xả rác bừa bãi.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.