Xóa nghèo pháp luật - Chuyện không của riêng ai

Thứ Tư, 21/10/2020 | 17:30

Chị A. đến tòa soạn báo nhờ tư vấn pháp luật. Hồ sơ chị mang theo thiếu nhiều văn bản, quyết định quan trọng. Khi được yêu cầu cung cấp mới có thể hướng dẫn cụ thể, chị A. bối rối nói: “Vì cái quyết định đó gia đình tôi không đồng ý nên không ký nhận”. Hay như ở một số phiên tòa, đương sự cố tình không đến theo giấy triệu tập, bất hợp tác với tòa án. Họ hoàn toàn không biết rằng, dù họ không nhận quyết định thì quyết định vẫn được niêm yết và thực thi; không đến tòa thì khi đủ thủ tục, tòa vẫn xét xử vắng mặt. Và những hậu quả pháp lý sau này, đôi khi phải gánh chịu còn nặng nề hơn.

Truyền thông trợ giúp pháp lý ở cơ sở. Ảnh: K.K

Nhiều người khi nói đến các vùng “trũng” pháp luật, thường nghĩ ngay đến các vùng nông thôn nghèo nàn lạc hậu, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cái “nghèo” pháp luật vẫn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, ở ngay cả những thành phố lớn, ở giữa những người dân, thậm chí là những người có trình độ học vấn đầy đủ. Kiểu như chị A., gia đình trí thức, chồng làm bác sĩ, thế nhưng chị vẫn không hiểu rằng, việc chị từ chối không nhận quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có nghĩa là chị không bị chế tài bởi quyết định đó. Điều mà đáng lẽ ra, nếu hiểu biết pháp luật một cách rõ ràng hơn, chị A. phải nhận quyết định kia, và có thể ghi rõ mình không đồng ý với quyết định này. Khi nhận quyết định, chị A. còn biết được nội dung quyết định như thế nào, những điểm nào chưa phù hợp để có thể khiếu nại quyết định hành chính theo đúng quy định của pháp luật.

Hay như những người - theo cách gọi của tòa án là đương sự “3 không” (không nhận giấy triệu tập, không đến tòa, không cần bản án). Họ suy nghĩ rất đơn giản, không đồng ý với việc xét xử, khởi kiện của ai đó, thì không hợp tác với cơ quan pháp luật. Không nhận bản án, không nhận kết quả xét xử thì coi như không có liên quan đến mình. Nhiều trường hợp sau đó, khi án đã có hiệu lực, ngay cả quyền kháng cáo cũng hết, tới khi gõ cửa các nơi đến tư vấn, khiếu kiện hay nhờ hỗ trợ, mới khóc ròng vì tất cả các cánh cửa đều đã đóng với trường hợp của mình. Bởi một lý do hết sức ngớ ngẩn, không còn thời hiệu, không còn quyền…

Xóa nghèo pháp luật, hiểu theo một định nghĩa đơn giản nhất, là mang pháp luật đến với mọi người, nhất là những người bị thiếu hụt kiến thức về luật. Và chúng ta cũng không nên cào bằng theo kiểu tuyên truyền khuôn mẫu, mà phải có khảo sát, đánh giá phân tích để việc tuyên truyền thật sự đúng đối tượng, đúng vấn đề.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng vẫn còn những hạn chế nhất định. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, thiết nghĩ cần tiếp tục bám sát đặc điểm của đối tượng là chủ thể thiếu hụt nền tảng kiến thức pháp luật, từ đó mới có cách để vận dụng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phù hợp theo hướng dễ hiểu, tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp, thiết thực. Cùng với đó, phát huy tối đa các điều kiện, phương tiện của các đơn vị, nguồn lực về con người, tài chính và thời gian trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường tập huấn để nâng cao kỹ năng cho cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật.

TUẤN MINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.