Tòa Soạn - Bạn đọc
Xóa sổ hộ khẩu - lại có thêm giấy phép con
Cùng với việc áp dụng Căn cước công dân (CCCD) có gắn chip, đến việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, người dân chưa kịp mừng vì đã được giảm thiểu nhiều thủ tục hành chính (TTHC) nhiêu khê, giấy tờ rườm rà thì nay lại vướng phải những yêu cầu có phần khó hiểu của không ít đơn vị, cơ quan nhà nước khi đẻ thêm các thủ tục “hậu” xóa sổ hộ khẩu, “hậu” dùng CCCD.
CÓ CCCD VẪN PHẢI NỘP THÊM GIẤY TỜ
Liên quan câu chuyện “đã có CCCD gắn chip còn nộp thêm giấy tờ”, nhiều người dân hết sức ngỡ ngàng khi dùng CCCD vẫn không thực hiện được nhiều TTHC. Anh H.H.Đ (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) bức xúc cho biết, anh đi làm thủ tục đáo hạn vay ngân hàng, dù có CCCD nhưng anh vẫn bị yêu cầu phải xin giấy xác nhận nơi cư trú. Phía ngân hàng giải thích, với việc xóa sổ hộ khẩu là việc của cơ quan nhà nước, nhưng thủ tục của bên ngân hàng là phải có xác nhận nơi cư trú. Anh H.Đ nói, “mình cần vay ngân hàng thì mình phải chịu thôi”.
Một công chức tư pháp - hộ tịch tại TP. Bạc Liêu cho biết, mặc dù đã xóa sổ hộ khẩu nhưng trong một số TTHC thì người dân vẫn cần xin giấy xác nhận nơi cư trú. Nguyên nhân là trong quá trình làm thủ tục, việc quét CCCD gắn chip của người dân không hiển thị đầy đủ dữ liệu cần thiết, nên bắt buộc phải có giấy xác nhận nơi cư trú.
Liên quan đến nhu cầu mua bán, chuyển nhượng nhà đất, tại các văn phòng công chứng, nơi thì không yêu cầu giấy xác nhận nơi cư trú, nơi thì lại yêu cầu. Như Văn phòng Công chứng Trần Thanh Bình, công chứng viên Trần Thanh Bình không yêu cầu phải cung cấp giấy xác nhận nơi cư trú nếu thẻ CCCD đã tích hợp đầy đủ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng giống như vậy.
Bức xúc nhất có lẽ là tình trạng đăng ký kết hôn, thủ tục xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Hầu hết các nơi hộ tịch - tư pháp đều yêu cầu phải xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại nơi thường trú và giấy xác nhận nơi cư trú để thay thế cho sổ hộ khẩu.
Hướng dẫn đăng ký tài khoản định danh điện tử (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: K.P
THỦ TỤC HÀNH DÂN
Theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, từ ngày 1/1/2023, người dân đi làm TTHC sẽ không cần mang theo sổ hộ khẩu mà có thể dùng một trong các loại giấy tờ khác để chứng minh thông tin cư trú của mình như thẻ CCCD; Chứng minh nhân dân; Giấy xác nhận thông tin về cư trú; Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trở lại câu chuyện của anh H.H.Đ, khi mang giấy tờ sang phường để xác nhận nhân thân, anh được cán bộ hộ tịch yêu cầu cung cấp sổ hộ khẩu. Khi thắc mắc vì sao quy định đã bỏ sổ hộ khẩu, thì anh được cán bộ tư pháp - hộ tịch giải thích, do địa phương không có máy đọc thông tin trên CCCD gắn chip! Do đó, hoặc là mang sổ hộ khẩu cũ đến hoặc là đi xin giấy xác nhận nơi cư trú.
Liên quan đến những vấn đề bức xúc trên, vừa qua Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cũng đã ghi nhận nhiều phản ánh tương tự. Cục C06 cho rằng, trong trường hợp cán bộ tiếp nhận, giải quyết TTHC ở UBND các cấp hoặc cơ quan chức năng dù có đủ điều kiện nhưng không thực hiện các phương thức khác để xác nhận, chứng minh nơi cư trú, vẫn buộc công dân phải ra Công an phường để xin giấy xác nhận cư trú là “hành dân”, gây khó khăn, làm chậm, cản trở quá trình cải cách TTHC. Bởi ngay cả trường hợp không có hệ thống đọc chip, cán bộ tiếp dân vẫn có thể quan sát và đọc thông tin trên mặt thẻ CCCD để khai thác thông tin của công dân.
Còn đối với một số thủ tục bắt buộc phải có thông tin chính xác về nơi thường trú, Bộ Công an đã có hướng dẫn sử dụng một trong 7 phương thức. Và giấy xác nhận nơi cư trú chỉ là một trong 7 phương thức, nhưng cuối cùng, lại được chọn lựa nhiều nhất, trong khi công dân có các phương thức còn lại vẫn không thực hiện được - điều này là sai so với quy định.
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, chỉ rõ, chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Chuyển đổi số chính là chuyển đổi về tư duy, nhận thức, chuyển phương thức làm việc thủ công sang hiện đại, môi trường số, điện tử. Muốn chuyển đổi số thành công thì tư duy, nhận thức của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải thật sự được “chuyển đổi”.
Và câu chuyện áp dụng như trên cũng chính là câu chuyện liên quan đến tư duy, nhận thức của chính cán bộ, đơn vị thực hiện cải cách hành chính chưa thật sự chuyển đổi.
KIM TUẤN
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024