Tòa Soạn - Bạn đọc
Xử lý vi phạm hành chính: Cần thay đổi từ tư duy đến hành động
Vi phạm hành chính (VPHC) là hành vi trái pháp luật nên có tính nguy hiểm cho xã hội. Khi hành vi VPHC không được xử lý kịp thời, rất dễ chuyển biến thành các hành vi nguy hiểm hơn cho xã hội, thậm chí là trở thành tội phạm. Việc phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi VPHC không chỉ giáo dục người vi phạm mà còn mang tính phòng ngừa chung với tất cả mọi người.
Xác định công tác xử lý VPHC là nhiệm vụ quan trọng, có tác động trực tiếp và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong sinh hoạt, hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh; do đó, việc áp dụng đầy đủ, đúng pháp luật và thi hành nghiêm túc pháp luật về xử lý VPHC sẽ góp phần đảm bảo trật tự xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, ổn định đời sống Nhân dân. Năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xử phạt hơn 31.500 vụ VPHC; riêng lĩnh vực an ninh trật tự, đã phát hiện xử lý VPHC 28.203 vụ, 29.671 đối tượng; xử lý bằng hình thức phạt tiền 29.020 trường hợp, cảnh cáo 651 trường hợp, thu nộp ngân sách hơn 30 tỷ đồng. Chính công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC góp phần răn đe kịp thời các hành vi vi phạm, duy trì trật tự xã hội, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý hành chính của Nhà nước.
Lực lượng Cảnh sát giao thông TP. Bạc Liêu kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Ảnh: K.K
Việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi VPHC sẽ góp phần xác minh các tình tiết liên quan đến vi phạm để xử lý chính xác, hay ngăn chặn tác động tiêu cực của hành vi vi phạm. Chẳng hạn, để thiết lập trật tự giao thông, những quy định của Luật Giao thông về phương tiện tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải được tuân thủ. Và bất cứ hành vi VPHC nào về giao thông đều ảnh hưởng xấu đến trật tự giao thông, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nếu không được phát hiện xử phạt VPHC, rất có thể sẽ trở thành nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, thậm chí là những vụ tai nạn thảm khốc. Bên cạnh đó, có nhiều hành vi VPHC gây ra thiệt hại về mặt thực tế. Chẳng hạn, hành vi xả thải nước ô nhiễm từ các nhà máy, xí nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy - hải sản không qua xử lý trực tiếp ra sông sẽ gây nguy hại khôn lường đến môi trường sống, làm ô nhiễm đất, nước, không khí, gây nguy hại cho con người, cho động - thực vật nếu không được các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử phạt. Với các hành vi VPHC có gây thiệt hại thực tế, ngoài việc xử phạt thì cần phải áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả do VPHC gây ra mới thật sự loại trừ được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm.
Tuy nhiên hiện nay, có không ít quyết định xử lý VPHC nhưng người dân không chấp hành, việc xử lý chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, nhiều hành vi vi phạm nhưng chế tài xử phạt không đủ mạnh để răn đe khiến người vi phạm hoàn toàn không để tâm đến. Cuối cùng là việc xử lý khắc phục hậu quả hết sức khó khăn, các cơ quan xử lý thường lúng túng, việc cưỡng chế để trả lại hiện trạng ban đầu càng phức tạp hơn. Do đó, để việc xử lý VPHC trở thành công cụ hữu hiệu, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn, thiết nghĩ, chúng ta cần thay đổi từ tư duy đến hành động.
Kim Kim
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh