Tòa Soạn - Bạn đọc
Xử phạt vi phạm về phòng chống dịch: Cần một căn cứ pháp lý
Thời gian qua, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành kèm theo chế tài cụ thể để phạt hành chính tổ chức, cá nhân vi phạm về phòng chống dịch (PCD) COVID-19 và nhiều người đã bị phạt. Tuy nhiên, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn do thiếu căn cứ pháp lý để xử phạt một số vi phạm cụ thể.
Công an TP. Bạc Liêu phối hợp với chính quyền địa phương đến tận hộ dân tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: P.V
VƯỚNG MẮC BẮT NGUỒN TỪ THỰC TIỄN
Kết quả kiểm tra đã có từ nhiều ngày qua nhưng cho đến thời điểm này, Đội kiểm tra liên ngành (KTLN) 178 tỉnh (trực thuộc UBND tỉnh) chưa thể tham mưu cho lãnh đạo tỉnh xử phạt các quán karaoke hoạt động trong thời gian cấm để PCD. Có 2 quán karaoke hoạt động bất chấp công văn chỉ đạo của UBND tỉnh và có dấu hiệu tổ chức cho nhiều người sử dụng ma túy. Tuy nhiên, do vướng cơ sở pháp lý nên Đội KTLN chỉ có thể đề nghị cơ quan chức năng xử phạt hành vi kinh doanh karaoke quá giờ quy định; đồng thời củng cố hồ sơ, chứng cứ để phạt thêm hành vi tổ chức sử dụng ma túy.
Bà Trương Kim Ênh - Đội phó Đội KTLN 178 tỉnh cho biết, không thể áp dụng các công văn chỉ đạo PCD của UBND tỉnh để làm căn cứ tham mưu ban hành quyết định xử phạt tổ chức, cá nhân vi phạm. Lý do thứ nhất, công văn không phải là VBQPPL, không có chế tài cụ thể; thứ hai là thể thức công văn không có phần căn cứ (dẫn chiếu) VBQPPL nên khi xảy ra một số hành vi vi phạm cụ thể, cơ quan chức năng gặp nhiều lúng túng trong áp dụng.
Cụ thể, tại Điểm c, Khoản 3, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi “không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng”. Theo bà Trương Kim Ênh, đã qua nhiều đợt PCD, Bạc Liêu chưa ban hành một quyết định nào áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ…, mà chỉ dừng lại ở công văn mang tính chỉ đạo, đốc thúc, khuyến nghị, yêu cầu… Do đó, cơ quan chức năng không đủ cơ sở vận dụng Nghị định 117 để xử lý các quán karaoke nêu trên.
Vi phạm nêu trên thậm chí còn bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 nếu chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như: quán bar, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ, phòng tập gym/yoga/game, rạp chiếu phim...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để PCD bệnh COVID-19, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí PCD bệnh.
THIẾU HỤT CƠ SỞ PHÁP LÝ
Ngày 30/6/2021, với tư cách là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 178 tỉnh, ông Nguyễn Hùng Thái - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã ký văn bản báo cáo thực trạng nêu trên cho Ban chỉ đạo 138 và 178 tỉnh. Trong báo cáo này, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 178 tỉnh đề xuất UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo PCD cần ban hành VBQPPL hoặc quyết định hành chính để cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh áp dụng một cách dễ dàng khi xử phạt tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cũng theo Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 178 tỉnh, ở các tỉnh khác, Sở Tư pháp có công văn gửi các sở, ngành, địa phương thông tin (chỉ dẫn) cụ thể văn bản luật trong việc áp dụng xử lý các hành vi vi phạm về PCD COVID-19 nên họ ít gặp lúng túng, nhưng tỉnh Bạc Liêu thì chưa thấy có công văn này.
Quá trình PCD, những hành vi vi phạm phổ biến trên địa bàn tỉnh là: Trốn tránh khai báo y tế hoặc khai báo không kịp thời; lén lút đi và về từ vùng dịch; không chấp hành tốt biện pháp cách ly theo hướng dẫn của cơ quan y tế; không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân cũng như các biện pháp khác về PCD; đưa tin không đúng sự thật về dịch bệnh gây hoang mang dư luận; lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi...
Dẫu biết rằng, việc tuân thủ các quy định về PCD COVID-19 (cả văn bản của cơ quan Đảng và văn bản pháp luật) đều xuất phát từ ý thức, nhận thức của tổ chức, cá nhân, được thực hiện trên nguyên tắc có lý, có tình. Tuy nhiên, khi ý thức, nhận thức đó không tuân thủ đúng tinh thần PCD bệnh, gây thiệt hại cho xã hội thì việc áp dụng chế tài mạnh và kịp thời là rất cần thiết. Trên thực tế, đã có không ít cán bộ, đảng viên bị phê bình, kiểm điểm hoặc kỷ luật do vi phạm nguyên tắc nêu gương, thậm chí, không chỉ cán bộ mà cả người dân vẫn bị khởi tố do vi phạm về PCD. Do đó, không ai được phép, được quyền lạc lõng hoặc đứng ngoài trong cuộc chiến PCD bệnh, dù trong nhất thời có sự “thiếu hụt” cơ sở pháp lý để xử phạt.
P.V
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024