Trong nước

Dự án Cảng HKQT Long Thành: "Cần sớm thông qua, nếu chậm sẽ mất thời cơ vàng"

Thứ Năm, 04/06/2015 | 15:02

Sáng 4-6, Quốc hội đã nghe Báo cáo về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành của Chính phủ; Báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành của Ủy ban thường vụ Quốc hội và thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng HKQT Long Thành. Đa phần đại biểu tán thành với chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng HKQT Long Thành và cho rằng cần phải sớm thông qua để tiến hành các bước cần thiết tiếp theo…

Các đại biểu đều đồng tình với mục tiêu chung của Dự án là đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành, tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đạt cấp 4F (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO); trước mắt để khắc phục tình trạng quá tải của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, giữ vai trò là Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, dự kiến trong tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á, với tổng công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận được máy bay A380-800 hoặc tương đương.

Chỉ ra theo tính toán, từ năm 2017, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ quá tải so với công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm, các đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh), Lê Văn Học (đoàn Lâm Đồng) kiến nghị cần có phương án để khắc phục tình trạng quá tài này, nếu không sẽ “trở tay không kịp”.

Với hai phương án về nâng cấp Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và cải tạo Sân bay quân sự Biên Hoà thành cảng HKQT hỗ trợ cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, các đại biểu đều cho rằng thiếu tính khả thi. Vì, để Cảng HKQT Tân Sơn Nhất nâng được công suất của cảng lên 40 - 50 triệu hành khách/năm. Theo tính toán, chỉ có phương án duy nhất là xây dựng thêm 1 nhà ga hành khách công suất 15 - 25 triệu hành khách/năm. Khi đó, để mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, cần bổ sung thêm quỹ đất khoảng 641ha trên địa bàn 3 quận Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận. Ước tính phải giải tỏa, di dời khoảng 140.000 hộ dân (khoảng 500.000 nhân khẩu). Tổng chi phí theo phương án này ước tính khoảng 9,1 tỷ USD, chưa kể chi phí quy hoạch, xây dựng lại hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông khu vực quanh sân bay của Thành phố (khu vực các quận Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận). Ngoài ra, việc mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng không đáp ứng được chiến lược phát triển một Cảng hàng không quốc tế lớn với công suất 100 triệu hành khách/năm và sẽ phát sinh các khó khăn cũng như ảnh hưởng tới vấn đề kinh tế - xã hội.

Việc cải tạo Sân bay quân sự Biên Hoà thành cảng HKQT hỗ trợ cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là không khả thi do Sân bay quân sự Biên Hòa có nhiệm vụ chiến lược đảm bảo an ninh vùng trời cho khu vực biên giới Tây Nam, khu vực thành phố Hồ Chí Minh, chủ quyền Biển Đông. Trong trường hợp cải tạo, nâng cấp Sân bay quân sự Biên Hòa cho hoạt động bay dân dụng với công suất 25 triệu khách/năm, ước tính chi phí lên đến 7,5 tỷ đô la Mỹ và phải giải tỏa 6.000 hộ dân. Đồng thời, phải xây dựng 1 sân bay quân sự mới thay thế cho Sân bay quân sự Biên Hòa với chi phí rất lớn.

Từ những phân tích đó, các đại biểu đồng tình với chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng HKQT Long Thành. Nhiều đại biểu cho rằng, đáng lẽ dự án cần được tiến hành từ lâu, chứ không phải bây giờ mới bàn. Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) chỉ ra: Dự án sân bay Long Thành nằm trong quy hoạch tổng thể của khu vực Đông Nam Bộ đã được triển khai từ rất lâu và một số dự án thành phần đã được tiến hành. Đáng ra, việc xây sân bay này phải làm lâu rồi chứ không phải để đến giờ, khi người dân đã sống trong quy hoạch “treo” cả 2 thập kỷ rồi mới bàn việc làm hay không làm. Nếu giờ không làm dự án này nữa, sự lãng phí sẽ đến thế nào? đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Đồng tình với chủ trương đầu tư, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) nhấn mạnh: “Cần sớm thông qua, nếu chậm sẽ mất thời cơ vàng”.

Tuy đồng tình với chủ trương đầu tư, nhưng nhiều đại biểu băn khoăn đến việc huy động vốn, sử dụng đồng vốn hiệu quả, giải phóng mặt bằng… Đặc biệt, nhiều đại biểu cho rằng, song song với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một vấn đề rất quan trọng chưa được đề cập thích đáng đó là đầu tư cho nguồn nhân lực để khai thác sử dụng hiệu quả dự án. Đại biểu Trần Văn (đoàn Cà Mau) nhấn mạnh: Với đầu tư hạ tầng, huy động tiền là có thể làm được ngay, nhưng đầu tư con người thì là vấn đề lâu dài. Nếu không có chuẩn bị sớm, khi dự án hoàn thành tiếp nhận hàng trăm triệu hành khách thì sẽ rất khó đáp ứng được nhu cầu. Từ đó, đại biểu Văn đề nghị cần sớm có phương án đầu tư nhân lực để tương xứng với cơ sở vật chất.

Các đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (đoàn Bạc Liêu), đại biểu Lê Văn Học (đoàn Lâm Đồng), đại biểu Trần Văn và một số đại biểu góp ý cần tính toán huy động và sử dụng nguồn vốn sao cho “không tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và tăng gánh nặng cho thế hệ mai sau”.

Nguồn: QĐND

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.