Trong nước
Quốc hội thảo luận Báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ
Ngày 29/3, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chủ tịch nước; Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC); Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC).
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu trên cơ sở nghiên cứu nội dung của 4 báo cáo, phân tích, đánh giá rõ những thành tựu đã đạt được, chỉ rõ những nguyên nhân của những thành công, nguyên nhân của những hạn chế, và bài học kinh nghiệm, qua đó đề xuất các giải pháp cụ thể để Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC rút kinh nghiệm trong công tác nhiệm kỳ tới.
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), cho rằng trong nhiệm kỳ có nhiều khó khăn trong và ngoài nước tác động, nhưng hoạt động của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tốt về kinh tế - xã hội, những kết quả này được thực tiễn kiểm nghiệm. Cử tri cũng đánh giá cao hiệu quả các chính sách an sinh xã hội Chính phủ đã thực hiện trong thời gian qua, tuy vẫn còn những chính sách manh mún, dàn trải. Đại biểu cũng góp ý một số nội dung liên quan đến công tác cải cách hành chính.
Đối với báo cáo của TANDTC, đại biểu cho rằng một trong những điểm sáng là tiếp tục thực hiện tốt hoạt động xét xử; tổ chức bồi thường oan sai; song người dân cũng chưa hài lòng vì cách tổ chức xin lỗi oan sai còn sơ sài...
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) tán thành với những nội dung đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Đại biểu cho rằng thành công lớn nhấn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đã chỉ đạo điều hành nền kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hỗ trợ thị trường, kiểm soát thị trường... nhờ đó nền kinh tế đã đạt được mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực có nhiều bất ổn, nhiều nước tăng trưởng âm.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo triển khai Hiến pháp, tổ chức xây dựng hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; tập trung củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, giữ vững chủ quyền quốc gia; đưa quan hệ với các nước, các đối tác đi vào chiều sâu; tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do...
Nêu lại những hạn chế, tồn tại và những giải pháp đã được đề cập trong Báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, đại biểu khẳng định chúng ta trân trọng những nỗ lực và những kết quả đáng ghi nhận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ, đồng thời bày tỏ tin tưởng, những hạn chế, tồn tại sẽ được khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đánh giá cao nội dung đề cập trong 4 báo cáo. Đồng thời góp ý một số nội dung nhằm xây dựng cơ chế để khắc phục, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí; tinh giảm biên chế, thực hiện cải cách tiền lương; các giải pháp quyết liệt để giải quyết án oan sai, ngăn chặn tình trạng bức cung nhục hình, người bị tạm giam, tạm giữ bị chết; vấn đề để các vụ án quá thời hạn, án tồn đọng không thi hành được; xử lý đơn thư đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm...
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), tán thành với những nội dung đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề xuất một số nội dung nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công chức và công dân. Theo đại biểu, dân chủ phải đi liền với kỷ cương, điều nguy hiểm là nhiều khi việc không tuân thủ pháp luật được coi là bình thường, "dừng xe tại đèn đỏ bị coi là hâm"... Rõ ràng ở đây ngoài nguyên nhân từ ý thức người dân, còn có nguyên nhân từ việc tổ chức thực thi pháp luật. Do vậy bên cạnh công tác tuyên truyền, đại biểu cho rằng, cần nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm pháp luật phải khả thi. Đồng thời xử lý nghiêm, công khai, công bằng các hành vi vi phạm, trước hết phải xử lý nghiêm các công chức vi phạm, phải có cơ chế bảo vệ những người thực thi pháp luật, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu...
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) góp ý báo cáo của Chủ tịch nước, đại biểu cho rằng, Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ qua đã thực hiện tương đối tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong nhiệm kỳ qua theo quy định của Hiến pháp. Trong đó nổi lên 3 điểm sáng là: Chỉ đạo sát sao công tác cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; triển khai tích cực và có hiệu quả chương trình công tác đối ngoại, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện của nước ta; luôn dành thời gian tìm hiểu tình hình đời sống, sản xuất của nhân dân, lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; động viên đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước....
Điểm lại những hạn chế trong nhiệm kỳ, đại biểu đề nghị trong nhiệm kỳ tới cần xây dựng ban hành Luật về chế định Chủ tịch nước với tư cách là người đứng đầu về đối nội, đối ngoại; cụ thể hóa nhiệm vụ của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực; đồng thời kiện toàn bộ máy Chủ tịch nước...
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình
Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp thứ 11 đã khẳng định những kết quả đạt được trong các mặt: Thống nhất quản lý phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và thực thi pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, Nhà nước, xã hội; xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước; tổ chức và lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại tố cáo; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; quản lý công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội và TANDTC, VKSNDTC; chấp hành sự giám sát của Quốc hội và báo cáo trước nhân dân.
Báo cáo cũng nêu rõ 8 hạn chế yếu kém trong nhiệm kỳ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ ra những nguyên nhân, nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm là: Phải quán triệt, thể chế hóa kịp thời, phù hợp chủ trương đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững.
Đồng thời, phải bám sát chức năng nhiệm vụ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết thống nhất, phát huy vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Đặc biệt chú trọng đánh giá đúng tình hình, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, gắn trước mắt với cơ bản lâu dài và ứng phó kịp thời với diễn biến mới của tình hình. Bám sát thực tiễn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay. Đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu. Lấy kết quả thực hiện để đánh giá tính đúng đắn của chính sách và năng lực quản lý điều hành.
Trong điều kiện khó khăn càng phải tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của người dân. Chú trọng phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện nhất quán, thiết thực phát triển văn hóa và tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước phát triển. Tăng cường quyền làm chủ của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.
Cùng với phát triển kinh tế phải tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, thu hút mạnh và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài. Không ngừng nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phải thường xuyên tăng cường khối đại đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; tập trung làm tốt công tác vận động quần chúng, thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường kỷ luật kỷ cương và phối hợp chặt chẽ các tổ chức trong hệ thống chính trị để triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Báo cáo khẳng định, trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Những thành tựu, kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực có phần đóng góp và trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Chinhphu.vn
- Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều thăm, tặng quà các Mẹ VNAH ở TX. Giá Rai
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Hòa Bình
- Bạc Liêu và Cà Mau góp ý Đề án hợp nhất 2 tỉnh
- Thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện Phước Long
- Chiếu phim lịch sử mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước