Trong nước

Tạm giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương trong thực hiện sắp xếp bộ máy

Thứ Bảy, 15/02/2025 | 16:14

Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc đánh giá tổng thể mô hình tổ chức của cả hệ thống chính trị vẫn đang được tiếp tục thực hiện, theo đó sẽ có điều chỉnh, sắp xếp nhưng tạm thời vẫn giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện tại.

Ngày 15/2, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Một trong những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm đó là dự thảo Luật giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như quy định hiện hành. Theo đó, tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã đều có tổ chức chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND), trừ các trường hợp đặc biệt do Quốc hội quy định.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ quan điểm đồng tình với việc giữ nguyên mô hình hiện tại, cần có cả HĐND và UBND và “không thể không có HĐND ở cấp xã”.

Tuy nhiên, ông đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm về mô hình chính quyền đô thị, đảm bảo sự thống nhất trong cả nước, không chỉ áp dụng riêng cho các thành phố trực thuộc Trung ương mà còn cho các thành phố thuộc tỉnh.

Về cơ cấu tổ chức UBND cấp huyện, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, trong dự thảo Luật, cơ cấu tổ chức UBND cấp huyện không có thành viên UBND là Công an huyện và Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, tới đây không còn Công an cấp huyện, nhưng Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện vẫn hoạt động với nhiều nhiệm vụ quan trọng tại địa phương. Do đó, ông đề nghị bổ sung người đứng đầu Ban Chỉ huy Quân sự huyện vào danh sách thành viên UBND cấp huyện để đảm bảo hợp lý và hiệu quả trong hoạt động.

Trong khi đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhấn mạnh chủ trương của Đảng qua nhiều kỳ đại hội gần đây đều chỉ đạo phải đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và đặc điểm nông thôn, hải đảo.

Thực tiễn cũng cho thấy, sau khi sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và đến nay là TP. Hải phòng đã được Quốc hội cho phép thực hiện chính quyền đô thị một cấp và cho thấy mang lại hiệu quả rất tốt.

“Trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, thì tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải được thiết kế lại, phù hợp với đặc điểm của đô thị và đặc điểm của nông thôn. Điều này cũng không trái với Hiến pháp”, đại biểu Hà Sỹ Đồng bày tỏ.

Do đó, đại biểu đã đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, trong khi chưa đổi mới được tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn thì cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị để thúc đẩy sự phát triển.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ một số vấn đề. Ảnh: VGP

Giải trình, làm rõ một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, nguyên tắc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là phân định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Bộ trưởng cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của dự thảo Luật là xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, tháo gỡ những điểm nghẽn, bất cập trong các luật chuyên ngành để đảm bảo thực hiện hiệu quả cơ chế phân quyền, phân cấp và ủy quyền giữa Trung ương và địa phương.

“Chúng tôi đề xuất theo hướng đó là sửa đổi căn bản và toàn diện. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề mang tính ổn định trước mắt để chúng ta bảo đảm được vận hành thông suốt của chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hiện nay”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Bộ trưởng dẫn chứng hiện có 177/259 luật chuyên ngành quy định chi tiết về thẩm quyền của Bộ trưởng, 152 luật quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, 141 luật đề cập thẩm quyền của HĐND, UBND, 92 luật có nội dung chồng chéo giữa các cấp chính quyền. Nếu không có cơ chế pháp lý rõ ràng để tháo gỡ những bất cập này, việc thực hiện phân quyền và phân cấp sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật sẽ tiếp tục kế thừa và điều chỉnh để làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND, đảm bảo trách nhiệm rõ ràng giữa cá nhân và tập thể, tránh chồng chéo trong quản lý nhà nước. Chính quyền địa phương sẽ cần ban hành các quy chế cụ thể để triển khai hiệu quả các quy định mới.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Bộ trưởng cho biết giữ nguyên mô hình hiện tại, bởi vì chúng ta tiếp tục có đánh giá tổng thể về mô hình tổ chức của cả hệ thống chính trị, theo đó sẽ có điều chỉnh, sắp xếp nhưng tạm thời vẫn giữ nguyên.

“Nếu như không tạm thời giữ nguyên thì sẽ hẫng hụt trong việc vận hành hệ thống tổ chức chính quyền địa phương cũng như mô hình chính quyền địa phương. Còn các chính quyền đô thị chúng ta vẫn thực hiện như Nghị quyết của Quốc hội.

Trong một bối cảnh chúng ta thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để tiến hành việc đánh giá nghiên cứu tổng thể mô hình tổ chức bộ máy, trong đó có hệ thống chính quyền địa phương. Xin phép các đại biểu ủng hộ cho phương án này, tạm thời ổn định như thế”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

B.N (theo Chinhphu.vn)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.