Trong nước
Tín dụng chính sách xã hội: Nguồn trợ lực cho người dân vượt khó
Trong 10 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội", nguồn vốn tín dụng chính sách đã triển khai thực hiện tới 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội. Nguồn vốn quan trọng này đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy lùi tín dụng đen.
Trao cho người cần
Bác Nguyễn Kim Khôi (SN 1963, ở số 2 ngõ 35/40, đường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là người khuyết tật vận động nặng, phải tháo bỏ hai cẳng chân. Không đầu hàng với số phận, bác đã cố gắng học may cờ để có thể tự nuôi sống bản thân. Năm 2016, bác đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội quận Bắc Từ Liêm thông qua Hội người khuyết tật quận để mở rộng sản xuất và tuyển thêm lao động. Bác vận động những người khuyết tật, người bị ảnh hưởng chất độc da cam, người có hoàn cảnh khó khăn đến nhà bác học việc và tạo công ăn việc làm, thu nhập từ 2 đến 6 triệu đồng/tháng cho họ. Thậm chí, nhiều người sau học nghề còn có thể tự mở cửa hàng riêng.
Hiện, bác Khôi đang được vay 100 triệu thông qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đông Ngạc với mức lãi suất ưu đãi là 3,96%/năm để tiếp tục duy trì, mở rộng mô hình sản xuất cờ. Bác chia sẻ: “Nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội đã là điểm tựa vững chắc, là động lực quan trọng giúp tôi mạnh dạn mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn”.
Quận Nam Từ Liêm là một trong những quận trẻ, mới được thành lập trên cơ sở tách từ huyện Từ Liêm. Tuy không còn hộ nghèo nhưng trên địa bàn vẫn còn 211 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,32%. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh của quận hầu hết mang tính nhỏ lẻ, hộ gia đình nên thường gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Chính vì vậy, tín dụng chính sách xã hội có vai trò, vị trí quan trọng của đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân Phú Đô, quận Nam Từ Liêm phát triển nghề bún truyền thống. Ảnh: tapchilaodongxahoi.vn
Ưu tiên bổ sung vốn cho tín dụng chính sách
Có thể nói, tín dụng chính sách xã hội thời gian qua đã được lan tỏa, phủ rộng trên khắp địa bàn Hà Nội, trở thành một trong những giải pháp căn cơ, trọng điểm để giúp giảm nghèo nhanh và bền vững. Các tổ chức chính trị-xã hội thành phố đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung công việc được ủy thác, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, chính quyền địa phương trong việc quản lý và củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, hằng năm, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đã quan tâm bố trí ngân sách, chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn.
Ảnh minh họa: qdnd.vn
Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay mặc dù đã được Trung ương và thành phố quan tâm bổ sung hằng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn do nhu cầu vay vốn nhiều. Chưa kể, mặt bằng chi phí, giá cả của Hà Nội cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước, dẫn đến một số địa bàn có tình trạng chia nhỏ vốn cho nhiều người vay, mức cho vay thấp, làm giảm hiệu quả vốn tín dụng chính sách. Thời gian tới, chuẩn nghèo có thể được nâng lên dần tiệm cận với xác định nghèo đa chiều thế giới, đặt ra những thách thức mới, nhiệm vụ mới trong công tác giảm nghèo bền vững.
Vì vậy, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, thành phố trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách hằng năm, tiếp tục nghiên cứu chuyển một phần ngân sách sang chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội thành phố cho người dân vay vốn. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và trong từng giai đoạn; đưa nội dung triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội gắn với bố trí nguồn lực tại địa phương, coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, lâu dài để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, hạn chế cũng như nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
C.L (theo QĐND)
- Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu: Tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Nông dân vùng chuyển đổi vào vụ thu hoạch lúa
- TP. Bạc Liêu: Thực hiện cơ bản đạt 17/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
- Xô xát vì mâu thuẫn trên tàu cá, 1 người chết, 1 người bị thương
- Phong trào nông dân gặt hái nhiều thành quả trong năm 2024