Trong nước
UBTVQH bàn về Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
Đa số ý kiến của UBTVQH đều tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
Tờ trình của VPQH nêu rõ: Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006, đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, khiến cho việc áp dụng, thực hiện Luật và thực thi điều ước quốc tế thiếu nhất quán, hiệu quả và hiệu lực không cao; chưa đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp cũng như chưa đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của tình hình thực tế trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đề cao việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực cũng làm cho một số quy định của luật không còn phù hợp, hoặc đặt ra yêu cầu bổ sung những quy định còn thiếu để triển khai Hiến pháp.
Theo đó, dự thảo Luật Điều ước quốc tế (sửa đổi) gồm 9 chương với 90 điều, giảm 17 điều so với 107 điều của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, trong đó giữ nguyên nội dung 10 điều, sửa đổi 73 điều (sửa đổi nội dung và sắp xếp lại thành 60 điều trong dự thảo), bỏ 24 điều và bổ sung 20 điều mới, thay đổi vị trí của một số điều cho phù hợp bố cục mới của dự thảo Luật.
Các ý kiến cho rằng dự thảo Luật Điều ước quốc tế (sửa đổi) phải tạo được khung pháp lý vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết và thực hiện điều ước quốc tế phù hợp với lợi ích của đất nước.
Đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, hình thành những cam kết quốc tế đem lại và bảo vệ tối đa lợi ích của đất nước; quyền chủ động của các cơ quan trong đề xuất ký kết và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế phải đi kèm với trách nhiệm, có cơ chế phân công, phối hợp, kiểm tra…
Một số kiến nhất trí sửa tên luật thành “Luật Điều ước quốc tế” vì tên của Luật hiện hành dài, mà chưa bao quát hết phạm vi điều chỉnh của Luật, việc sửa tên bảo đảm tính khái quát, dễ hiểu và phù hợp với thực tiễn quốc tế…
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đồng quan điểm và cho rằng hành vi “gia nhập” đã nằm trong chuỗi hành vi của “ký kết” như giải thích tại điều 2 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Tên gọi Luật Điều ước quốc tế vừa ngắn gọn, vừa đảm bảo sự bao quát đối với phạm vi điều chỉnh của Luật.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng không cần thiết thay đổi tên gọi của Luật vì đã thể hiện được đầy đủ nội hàm, phạm vi điều chỉnh của Luật.
Với nội dung về giám sát hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, một số ý kiến cho rằng việc giám sát này khác với các hoạt động giám sát khác của Quốc hội là giám sát việc thực hiện thỏa thuận giữa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, kết quả giám sát có thể dẫn đến đề nghị rút khỏi, tạm đình chỉ, chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế.
Vì đặc thù này, các ý kiến đều đồng ý đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để thể hiện lại các quy định tại dự án Luật Điều ước quốc tế theo hướng không quy định lại những nội dung giám sát đã được quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; chỉ quy định tại Luật những nội dung giám sát điều ước quốc tế có tính chất đặc thù.
Nguồn: Chinhphu.vn
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc hơn 200 cử tri TX. Giá Rai
- Từ ngày 25/4 - 2/5/2025 xuất hiện đợt triều cường mới
- Tổng duyệt chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam
- TP. Bạc Liêu: Mở cao điểm chỉnh trang đô thị từ ngày 27 đến nghỉ lễ 30/4
- Khai giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ Hội Cựu chiến binh cơ sở