Vấn đề bạn đọc quan tâm

Bất nhất việc di dời chợ Gành Hào về Trung tâm thương mại?

Thứ Sáu, 15/04/2016 | 15:54

Trung tâm thương mại Gành Hào (huyện Đông Hải) được xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng từ cuối năm 2010 với quy mô trên 200 ki-ốt. Song, hiện tại chỉ có hơn chục hộ kinh doanh mua bán, các ki-ốt còn lại đều trong tình trạng… “cửa đóng then cài”.

Các ki-ốt, quầy sạp tự phát trước Trung tâm thương mại Gành Hào gây mất vẻ mỹ quan. Ảnh: M.N

Theo trình bày của các tiểu thương tại Trung tâm thương mại Gành Hào (gọi tắt là Trung tâm) thì: Sở dĩ Trung tâm vắng vẻ như hiện này là do chính quyền địa phương chưa có biện pháp tổ chức di dời các tiểu thương tại chợ truyền thống (cũ) về Trung tâm. Do vậy, các mặt hàng được kinh doanh tại Trung tâm không đa dạng và thiếu chủng loại nên không thu hút khách hàng. Một nguyên nhân nữa là do việc kinh doanh mua bán ế ẩm, hàng hóa để lâu ngày xuống cấp, lỗi thời, mất phẩm chất nên khách hàng cũng kén chọn. Đa phần khách hàng là người dân địa phương cũng chưa có thói quen đi chợ tại Trung tâm vì phải gửi xe vừa tốn tiền vừa mất thời gian…

Nhằm khắc phục tình trạng trên, một số tiểu thương có “sáng kiến” cất ki-ốt, dựng sạp trước mặt tiền Trung tâm để kinh doanh nhưng vẫn không cải thiện được tình trạng mua bán ế ẩm. Bà Hồ Kim Ngân - tiểu thương kinh doanh mặt hàng quần áo may sẵn, than thở: “Tôi chấp hành chủ trương di dời từ chợ truyền thống về Trung tâm từ tháng 7/2011 đến nay, thế nhưng việc mua bán không được thuận lợi như lúc trước dẫn đến nợ nần chồng chất. Nếu tình hình không cải thiện, tôi e mình không cầm cự được bao lâu nữa!”. Tương tự là trường hợp của bà Hồ Thị Phồng, cũng chấp hành chủ trương tháo dỡ 4 ki-ốt tại chợ truyền thống về Trung tâm mua bán. Đến nay gần 5 năm, do mua bán ế ẩm hàng hóa hư hỏng… dẫn đến thua lỗ. Bà Phồng đã thế chấp 3 ki-ốt tại Trung tâm và thế chấp căn nhà để vay tiền bù lỗ chuyện kinh doanh. Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều tiểu thương tại Trung tâm do buôn bán ế ẩm dẫn đến vỡ nợ, nhiều trường hợp phải bỏ đi nơi khác tìm kế sinh nhai… Trước tình trạng đó, nhiều tiểu thương tại Trung tâm yêu cầu chính quyền cần sớm có biện pháp di dời tiểu thương chợ truyền thống về Trung tâm như Thông báo số 114/TB-VP ngày 12/8/2013 của Văn phòng UBND tỉnh.

Các tiểu thương chợ truyền thống thì cho rằng: Chợ hình thành là do tiểu thương đóng góp kinh phí xây dựng. Trong quá trình kinh doanh, tiểu thương đã góp phần không nhỏ cho ngân sách địa phương. Đặc biệt, năm 2005 - 2006 khi chợ được sửa chữa xây dựng lại, các tiểu thương phải trả số tiền từ 9,2 - 26,5 triệu đồng cho nhà thầu để có được 1 ki-ốt mua bán. Hiện nhà lồng chợ vẫn còn khả năng sử dụng, do đó các tiểu thương mong muốn được kinh doanh ổn định tại đây. Trong khi đó, tại 2 cuộc họp dân (năm 2010 - 2011), lãnh đạo huyện Đông Hải có chủ trương cho tồn tại song song chợ truyền thống Gành Hào và Trung tâm thương mại, điều này đã được bà con tiểu thương đồng thuận. Nay lại buộc tiểu thương thực hiện theo Thông báo số 114/TB-VP ngày 12/8/2013 của Văn phòng UBND tỉnh là “không giữ lời hứa”.

Thiết nghĩ, huyện Đông Hải cần có sự bố trí hợp lý, tạo điều thuận lợi mua bán cho tiểu thương, tránh tình trạng bất nhất, “đi không nỡ mà ở cũng chẳng xong”.

M.N

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.