Vấn đề bạn đọc quan tâm
Các kỹ năng phòng tránh lừa đảo trực tuyến
Cục An toàn thông tin vừa ban hành Cẩm nang kỹ năng nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến (gọi tắt là Cẩm nang). Cách thức các đối tượng lừa đảo trực tuyến nhận tiền lừa đảo từ nạn nhân bao gồm chuyển khoản vào các tài khoản ngân hàng rác, các tài khoản không chính chủ được mua lại từ các đối tượng như sinh viên, hoặc các số tài khoản ngân hàng ảo; chuyển tiền qua các cổng thanh toán trực tuyến; chuyển tiền qua các ví điện tử như Momo, ViettelPay, VNPay…; chuyển tiền thông qua tiền ảo trên các sàn giao dịch.
Ảnh minh họa: Internet
Cẩm nang hướng dẫn các kỹ năng phòng tránh lừa đảo trực tuyến, trong đó cần nâng cao nhận thức, luôn cảnh giác trước những bất thường khi tham gia không gian mạng là những kỹ năng cơ bản giúp hạn chế tối đa rủi ro không đáng có. Để phòng tránh lừa đảo trực tuyến, người dùng cần kiểm tra nguồn gốc thông tin, xác định xem thông tin đến từ nguồn đáng tin cậy hay không. Kiểm tra tên miền và đường dẫn URL của trang web. Hãy chú ý đến các tên miền khác thường, có lỗi chính tả hoặc không có các chứng chỉ tín nhiệm mạng.
Cảnh giác với người lạ kết bạn qua mạng xã hội, qua Zalo, Telegram… Khi có dấu hiệu khả nghi, ngay lập tức không kết bạn và không trả lời. Ngoài ra, ẩn đi danh sách bạn bè của mình trên các tài khoản mạng xã hội để tránh bị đối tượng lừa đảo biết đến các mối quan hệ xung quanh của mình. Cảnh giác với email và tin nhắn lạ, các email hoặc tin nhắn lừa đảo thường giả mạo các tổ chức uy tín (như ngân hàng, đơn vị nhà nước hoặc công ty công nghệ). Kiểm tra kỹ địa chỉ email người gửi, so sánh đối chiếu với địa chỉ email được ghi trên các cổng thông tin chính thống. Thông thường, các địa chỉ email giả mạo sẽ bao gồm các ký tự thừa, tên miền không chính xác.
Cẩn thận với các yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài chính, không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc tài chính qua email hoặc tin nhắn cho các đối tượng lạ. Ngoài các đơn vị ngân hàng, các tổ chức hoặc doanh nghiệp uy tín sẽ không yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân. Cảnh giác với những yêu cầu đặt cọc hoặc chuyển khoản, tuyệt đối không chuyển tiền cho các đối tượng lạ trong mọi trường hợp. Đối với các giao dịch trực tiếp, người dân được khuyến cáo nên thực hiện trực tiếp hoặc thông qua cá nhân hoặc tổ chức trung gian uy tín.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức, người dùng cũng cần những kỹ năng nâng cao giúp phòng tránh lừa đảo trực tuyến một cách hiệu quả nhất. Đó là bảo vệ thông tin cá nhân, tránh chia sẻ quá nhiều thông tin, hình ảnh cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Ẩn hết các thông tin cá nhân như địa chỉ, ngày tháng năm sinh, số điện thoại…). Khi đăng gì lên mạng xã hội nên cân nhắc kỹ và nên chia sẻ ở chế độ bạn bè. Sử dụng mật khẩu dài và phức tạp, đảm bảo mỗi tài khoản trực tuyến sở hữu mật khẩu mạnh, bao gồm chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt; tránh sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản. Thiết lập xác thực đa yếu tố (2FA), kích hoạt xác thực đa yếu tố đối với các tài khoản trực tuyến. Điều này đồng nghĩa với việc bổ sung một lớp xác thực (thông qua tin nhắn, email hoặc cuộc gọi) ngoài mật khẩu nhằm gia tăng mức độ bảo mật cho tài khoản.
Cài đặt và thường xuyên cập nhật các phần mềm diệt virus, tường lửa, và các công cụ bảo mật khác để bảo vệ thiết bị khỏi các phần mềm có chứa mã độc và các mối đe dọa khác…
K.K
- Rà soát, điều chỉnh đơn vị hành chính sau sắp xếp có di tích quốc gia đặc biệt
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng huyện Hồng Dân
- Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc hơn 300 cử tri TP. Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi
- Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng cho hàng hóa Việt Nam: Dự báo tôm xuất khẩu sẽ gặp khó
- Rầm rộ khuyến mại dịp 30/4