Vấn đề bạn đọc quan tâm
Cần chấp hành nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm
Thời gian qua, tình trạng ngộ độc thực phẩm và nhiễm độc thực phẩm đang ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy cấp của vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Nhiều cơ sở vi phạm ATVSTP
Chỉ riêng năm 2023, toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm trên 2.100 người mắc và làm 28 người tử vong, có xu hướng gia tăng so với năm 2022. Chỉ đến khi xảy ra sự việc, khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra thì mới phát hiện ra, các cơ sở đều có nhiều vi phạm từ việc không đảm bảo quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm; không tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến ATVSTP. Về công tác kiểm tra về đảm bảo ATVSTP, tuy thời gian qua các sở, ban, ngành đã tiến hành không ít những cuộc kiểm tra nhưng hiện việc thanh tra cũng tồn tại nhiều bất cập. Theo quy định, nếu thanh tra theo kế hoạch thì mỗi cơ sở chỉ thanh tra tối đa 1 lần/năm, dẫn đến việc các chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm có nhận thức đã kiểm tra rồi thì cả năm không còn sợ bị kiểm tra lại.
Quay trở lại với câu chuyện tuân thủ các quy định của pháp luật về ATVSTP, rất nhiều hộ kinh doanh thực phẩm, nhất là những nơi bán thực phẩm ăn uống tại gia đình (không phải là nhà hàng) thường rất hạn chế vấn đề tuân thủ các quy định pháp luật. Và hoạt động tuyên truyền các quy định pháp luật về ATVSTP thời gian qua cũng không nhiều, dẫn đến việc rất nhiều người bán thực phẩm không am hiểu các quy định pháp luật có liên quan đến Luật ATVSTP.
Những quy định pháp luật người dân cần biết
Luật ATVSTP và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở chế biến thức ăn phải bảo đảm các điều kiện như bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh; có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh; cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng. Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại; có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hằng ngày sạch sẽ. Đặc biệt, cơ sở phải có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác; có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại. Các cơ sở cũng phải duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất - kinh doanh thực phẩm; tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất - kinh doanh thực phẩm. Mức xử phạt vi phạm từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có nhưng hết hạn.
KIM TUẤN
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông