Vấn đề bạn đọc quan tâm
Cần xử lý nghiêm hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu
Bất cứ mặt hàng nào từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, túi xách, phụ tùng xe máy… cũng có thể bị giả mạo những nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực kiểm tra, xử lý, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi.
Đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu và hàng giả niêm phong túi xách giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: T.Q
Nếu là hàng chính hãng của thương hiệu đình đám như: Chanel, Gucci, Louis Vuiton, Dior… sẽ có giá từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, thì đối với hàng giả mạo thương hiệu tùy theo mức độ làm giả sẽ có giá chỉ từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Những thương hiệu lớn vừa ra mắt mẫu nào thì thị trường hàng giả mạo có ngay mẫu đó. Các đối tượng không chỉ làm giả hàng hóa thương hiệu nước ngoài, mà còn làm giả rất nhiều nhãn hàng “made in Viet Nam” của các doanh nghiệp trong nước có uy tín.
Người bán thường lợi dụng nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok, Zalo để chạy quảng cáo và livestream bán hàng. Người bán thường sử dụng địa điểm livestream bán hàng một nơi, còn kho chứa hàng lại là nơi khác nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra và xử lý. Ngoài ra, các thương hiệu giả mạo được làm nhái, giả một cách tinh vi và được bày bán tại các cửa hàng trộn lẫn với hàng thật nên người tiêu dùng rất khó phân biệt. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng khi mua phải hàng kém chất lượng.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, các đội nghiệp vụ đã phát hiện, xử lý gần 10 vụ kinh doanh hàng giả mạo thương hiệu. Những ngày này, Đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa phục vụ thị trường Tết, qua đó đã phát hiện và tịch thu nhiều hàng hóa giả mạo thương hiệu, chủ yếu là mỹ phẩm, túi xách, quần áo…
Tình trạng gian lận nhãn, giả mạo thương hiệu mặc dù được kiểm soát bằng nhiều hình thức, nhưng vẫn gia tăng. Thậm chí, một biện pháp thiết thực đã và đang được thực hiện là dán tem kiểm soát, tem chống giả, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ… cũng lại bị làm giả. Cùng với đó, việc giao hàng, vận chuyển hàng hóa và giao dịch thông qua ngân hàng hoặc bên thứ ba, khiến việc quản lý lĩnh vực này của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao, các đối tượng lợi dụng thời điểm này để tuồn ra thị trường số lượng lớn hàng nhái, hàng giả mạo thương hiệu. Chính vì vậy, bên cạnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, chủ sở hữu quyền thương hiệu cũng cần kiên trì và phối hợp chặt chẽ để thực hiện kế hoạch hành động chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đối với người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức để phân biệt hàng thật, hàng giả nhằm tránh thiệt thòi cho bản thân.
TÚ QUYÊN
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông