Vấn đề bạn đọc quan tâm

Điện thoại lừa đảo rồi đe dọa - Người dùng bức xúc, phải kiện ai?

Thứ Tư, 22/03/2023 | 16:45

Chị Y.N (Phường 1, TP. Bạc Liêu) vô cùng bức xúc vì bị một đối tượng lạ dùng điện thoại tư vấn công việc làm thêm “việc nhẹ - thu nhập trong mơ”, khi chị từ chối thì ngay lập tức bị đối tượng chửi mắng xối xả. Rất nhiều người đã gặp phải tình huống tương tự chị Y.N, và không biết phải làm gì để xử lý các đối tượng này.

Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục gửi tin nhắn cảnh giác với những thông tin giả mạo, lừa đảo. Ảnh: K.P

Những cuộc gọi quấy rối

Kể lại với chúng tôi câu chuyện vừa trải qua, chị Y.N vẫn còn ngỡ ngàng. Những kẻ dùng SIM rác tấn công điện thoại người dùng thường là vào giờ trưa, giờ nghỉ ngơi. Do công việc chị không thể tắt điện thoại, cũng không thể không nghe cuộc gọi từ các số điện thoại lạ. Khi tiếp nhận cuộc gọi từ số máy lạ, đầu dây bên kia giọng điệu khá ngọt ngào, giới thiệu cho chị Y.N công việc làm thêm bằng cách bấm like, chia sẻ trên Facebook, cuối ngày sẽ nhận được khoản tiền công từ 300.000 - 400.000 đồng. Đối tượng còn hỏi chị có sử dụng Zalo không, đề nghị kết bạn để hướng dẫn cụ thể. Để từ chối, chị nói mình không dùng Zalo. Ngay lập tức kẻ lạ mặt đổi giọng, rồi chửi chị tới tấp với những từ ngữ thô tục.

Tương tự chị Y.N, anh Q.V (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) cũng bị đối tượng lạ mặt dùng SIM rác gọi thông báo trúng thưởng và hướng dẫn để nhận quà tặng. Anh Q.V đang giờ làm việc, bực mình nên mới hỏi vặn: “Bộ mấy cậu không có trò lừa đảo nào mới hơn hay sao mà cứ mấy trò cũ rích này vậy?”. Lập tức, đầu dây bên kia tuông ra những lời chửi thô tục kèm theo đe dọa đến mức anh Q.V choáng váng, phải nhanh chóng tắt điện thoại. Anh Q.V cho rằng, đây là một kiểu uy hiếp tinh thần, các đối tượng gọi điện thoại không những dụ dỗ người dùng để rơi vào bẫy lừa đảo, mà còn dùng các biện pháp khác để đe dọa, uy hiếp tinh thần, gây ức chế tâm lý mà không có cách nào để xử lý bọn chúng.

Quấy rối người khác qua điện thoại, xử lý thế nào?

Trong khi cuộc sống hiện tại đã rất nhiều áp lực, giờ thêm chuyện bị làm phiền do các cuộc gọi rác khiến nhiều người cảm thấy rất khó chịu. Các đối tượng ngày càng manh động, thậm chí sẵn sàng đe dọa, xúc phạm người nghe điện thoại nếu bị phản ứng. Chị Y.N cho rằng, việc bị lừa qua điện thoại tuy không nhiều, nhưng hành vi gọi điện thoại kiểu này thật sự rất phiền, khiến cuộc sống của nhiều người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc quản lý, xử lý các đối tượng này đến nay vẫn bị bỏ ngõ. Như trường hợp chị tự nhiên bị chửi bới, xúc phạm như vậy, nếu chị muốn xử lý đối tượng đó thì phải làm sao, pháp luật có bảo vệ chị hay không?

Vấn đề này được Luật sư Cao Thị Túy Giang (Văn phòng Luật sư Túy Giang và cộng sự) cho biết, pháp luật đều có quy định cụ thể để xử lý đối với các hành vi quấy rối, xúc phạm người khác; nhẹ thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, người có hành vi lợi dụng thư điện tử, tin nhắn, cuộc gọi để đe dọa; quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân theo Luật Viễn thông và Nghị định 15/2020 có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số; nhằm đe dọa quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào mức độ, tính chất và có đủ căn cứ, hành vi quấy rối qua điện thoại sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự. Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017) phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm cho người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Còn tội vu khống người khác (Điều 156 Bộ luật Hình sự), mức phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Tuy nhiên, đó là nói trên lý thuyết, khi chúng ta có thể xác định được rõ đối tượng vi phạm, quấy rối là ai. Còn trong trường hợp của chị Y.N, anh Q.V và nhiều người đang phải chịu đựng, những kẻ vi phạm đều dùng SIM rác, số điện thoại không chính chủ nên việc tố giác tội phạm và điều tra, xác minh để tìm đối tượng hầu như bế tắc. Đây cũng chính là một trong những lý do dẫn đến việc, cần phải siết chặt, hướng đến chấm dứt tình trạng hoạt động của SIM rác. Chỉ khi nào tất cả các SIM điện thoại đều có thể xác định người dùng là ai, thì sẽ không còn tình trạng bị quấy rối, lừa đảo thông qua số điện thoại. Bởi gắn với SIM chính chủ, là trách nhiệm dân sự, trách nhiệm pháp lý của chính người dùng.

KIM TUẤN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.