Vấn đề bạn đọc quan tâm
Giấy khai sinh: Không cứng nhắc theo quy định
Bên lề kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII, chúng tôi đã trao đổi ngắn với lãnh đạo một số cơ quan về vấn đề giấy khai sinh (GKS) cho trẻ. Các ý kiến đều chia sẻ với nhận định hiện còn nhiều trẻ chưa có GKS và quyền lợi của các trẻ này không đảm bảo của bài viết “Giấy khai sinh: Mở - đóng tương lai của trẻ” (đăng trên báo Bạc Liêu số ra ngày 11/7/2013).
Bà Lê Hồng Thu, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh: Không cứng nhắc theo quy định
HĐND chưa giám sát chính thức về vấn đề GKS cho trẻ. Nhưng trong những lần khảo sát về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề nổi lên của xã hội thì HĐND có quan tâm, nhất là các đối tượng yếu thế như trẻ em mồ côi, tàn tật, người neo đơn. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận thấy các xã ven biển rất khó trong việc làm GKS, bởi người dân khắp nơi đến ở, ý thức pháp luật của họ hạn chế, chỉ lo làm ăn, không quan tâm đến vấn đề hộ tịch, hộ khẩu, nhân thân.
Hiện còn nhiều trẻ chưa có GKS và thực trạng này có từ 2 phía. Gia đình phải có ý thức phối hợp với chính quyền địa phương để tạo được giấy tờ hợp pháp cho con em mình. Về phía chính quyền địa phương cũng phải tuyên truyền, vận động để người dân được đảm bảo quyền lợi của họ. Trẻ em không có GKS thì sẽ không được bảo hiểm y tế, hoặc vấn đề đi học gặp nhiều khó khăn và một số chuyện khác.
Người dân đến làm GKS cho con tại UBND thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân). Ảnh: N.Q |
Tới đây, HĐND tỉnh sẽ lưu ý Ban Văn hóa - Xã hội có những khảo sát để đảm bảo quyền lợi cho “công dân tí hon” của mình.
Ông Đặng Tiến Út, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Không để trẻ thất học vì thiếu GKS
Hiện nay, trên 95% trẻ em có GKS, trừ những trường hợp người nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Nếu trẻ sinh ở trạm y tế, bệnh viện đều có GKS hết. Trường hợp sinh rớt, hoặc sinh mụ vườn thì khi đề nghị vẫn được xã làm GKS. Sở đề nghị địa phương khảo sát hết số trẻ dưới 6 tuổi không có GKS. Không thể để một trẻ nào không có GKS phải thất học. Việc khảo sát đang được tiến hành nên chưa có số liệu cụ thể.
Về bảo hiểm y tế, trên 99% trẻ em có thẻ bảo hiểm này. Ở vùng sâu, vùng xa, có khi những hộ ở nơi hẻo lánh, cán bộ cũng phải đi tới nơi để nắm tình hình, cấp bảo hiểm cho trẻ. Cán bộ xã, phường, thị trấn nói chung, gần đây đã làm tốt việc đảm bảo quyền được bảo vệ và chăm sóc của trẻ em.
Hiện, Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho UBND tỉnh làm đề án cộng tác viên quản lý trẻ em ở cơ sở. UBND tỉnh đã đồng ý, chỉ chờ HĐND tỉnh quyết là sẽ có chính sách cho cộng tác viên ở xóm, ấp làm công tác quản lý trẻ em.
Ông Nguyễn Bá Ân, Giám đốc Sở Tư pháp: Làm GKS không khó
Tôi đã đọc qua bài “Giấy khai sinh: Mở - đóng tương lai của trẻ” trên báo Bạc Liêu. Tuy nhiên, việc trình bày của người dân với báo chí, khi đối chiếu với quy định nghiệp vụ thì không đến nỗi như vậy. Về việc làm GKS cho trẻ có yếu tố nước ngoài, có ý kiến cho rằng “tập huấn nói như thế này, khi làm không đúng như vậy”. Ý kiến như vậy là không đúng. Theo quy định, GKS nước ngoài khi đến Việt Nam thì chỉ thực hiện hợp thức hóa thông qua lãnh sự sẽ được sử dụng như GKS trong nước. Bởi chức năng của lãnh sự là chứng nhận các thủ tục công của các nước.
Hàng năm, Sở đều có triển khai hướng dẫn cấp GKS cho trẻ. Nói chung hướng dẫn thực hiện thì không có gì khó để đến nỗi không làm được. Về mặt các thủ tục làm GKS cho trẻ thì không khó, nhưng tùy vào điều kiện hoàn cảnh gia đình, cha mẹ có ý thức trách nhiệm lo cho con em hay không. Ông bà đi làm GKS cho cháu vẫn được.
Có 3 điều kiện để làm GKS. Thứ nhất, có cha mẹ đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú, trẻ có giấy chứng sinh thì đến cán bộ tư pháp xã làm ngay. Trường hợp tối thiểu nhất không có giấy chứng sinh thì chỉ cần làm giấy cam đoan người phụ nữ đó là mẹ của bé. Song, chỉ ghi nhận được người mẹ, còn nếu có cả cha luôn thì phải có đăng ký kết hôn. Trường hợp không đăng ký kết hôn thì đăng ký trước cho mẹ, sau đó làm thủ tục cha nhận con ghi vào GKS. Nói chung, chịu làm tích cực thì đơn giản, không có vấn đề gì.
NGUYỄN QUỐC (thực hiện)
Tại buổi họp báo mới đây, bà Cao Xuân Thu Vân, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh đưa ra số liệu còn 71 trẻ sống trong rừng phòng hộ chưa có GKS. Theo bà Cao Xuân Thu Vân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu cử cán bộ xuống trực tiếp hướng dẫn thủ tục làm GKS cho số trẻ này. Tỉnh đã yêu cầu ngành Tư pháp và Công an tạo điều kiện cho số trẻ này có GKS dù gia đình họ đã có hay chưa có hộ khẩu. Các địa phương trên cần tạo điều kiện cho số trẻ này được hưởng đầy đủ quyền lợi giống như các trẻ em khác. TẤN ĐẠT |
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh