Vấn đề bạn đọc quan tâm
Loay hoay với xe không chính chủ
Khi Thông tư 24 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực, từ ngày 15/8, “số phận” của những phương tiện không chính chủ, được chuyển nhượng qua nhiều người mà không liên hệ với chủ cũ được hoặc không có đầy đủ giấy tờ chuyển quyền sở hữu thì giải quyết thế nào đang là vấn đề nóng được nhiều người quan tâm.
Vì sao bắt buộc phải chuyển quyền sở hữu phương tiện?
Việc quy định bắt buộc phải chuyển quyền sở hữu phương tiện hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của các bên khi mua bán, trao tặng, tránh những tranh chấp dân sự vừa dễ quản lý hành chính và xử lý các vi phạm. Trong đó, bên cạnh chủ thể là người điều khiển phương tiện giao thông thì trách nhiệm liên đới của chủ thể là người chủ sở hữu phương tiện giao thông cũng ngày càng được đòi hỏi cao hơn.
Khi xảy ra tai nạn, vi phạm, tội phạm đều phải làm rõ chủ thể và cùng với sự phát triển của công nghệ số, các cơ quan chức năng hướng tới áp dụng công nghệ để giám sát, xử lý. Như thế, chủ phương tiện giao thông không thể thoái thác trách nhiệm theo kiểu “không biết, không còn quản lý phương tiện” nên không chịu trách nhiệm liên đới.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an nỗ lực và tạo điều kiện cho người dân chuyển quyền sở hữu các phương tiện, thậm chí tháo gỡ khó khăn đối với phương tiện không có khả năng tìm chính chủ bằng việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành để người dân thuận lợi trong việc đăng ký xe chính chủ.
Hướng dẫn làm thủ tục đăng ký xe. Ảnh: K.K
Khó khăn khi đăng ký sang tên đổi chủ
Với quy định mới của Thông tư 24, tại khoản 1, Điều 31 về việc giải quyết đăng ký sang tên đối với xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều tổ chức, cá nhân quy định cụ thể: tổ chức, cá nhân đang sử dụng xe phải đến cơ quan đang quản lý hồ sơ đăng ký xe đó để làm thủ tục thu hồi và đăng ký sang tên xe tại cơ quan đăng ký xe nơi có trụ sở cư trú; trường hợp cơ quan quản lý hồ sơ cùng là cơ quan giải quyết đăng ký sang tên xe thì không phải làm thủ tục thu hồi.
Tuy nhiên, bạn đọc Lê Thanh Phú (TP. Bạc Liêu) cho rằng, với quy định này thì việc đăng ký chuyển quyền sở hữu vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và khó thực hiện được. Vì nếu phải làm thủ tục thu hồi tại “cơ quan đang quản lý hồ sơ đăng ký xe đó” tức là cơ quan công an nơi chủ xe đầu tiên đăng ký xe thì rất khó nếu ở 2 địa phương khác nhau, thậm chí là các tỉnh, thành phố khác nhau. Người dân phải tốn nhiều chi phí và thời gian đi lại với nhiều vấn đề phát sinh. Trong khi hiện nay cơ quan công an đã có đầy đủ hệ thống cơ sở dữ liệu về đăng ký và quản lý xe trên toàn quốc, vì sao không tích hợp hoặc tự trích xuất thông tin để giảm bớt phiền hà cho dân?
Từ phân tích trên, bạn đọc Lê Thanh Phú kiến nghị, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Bộ Công an nên xem xét, sửa đổi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 31 của Thông tư 24 theo hướng: tổ chức, cá nhân đang sử dụng xe đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký xe tại nơi cư trú của người đang sử dụng xe để làm thủ tục thu hồi và đăng ký sang tên; trường hợp cơ quan quản lý hồ sơ cùng là cơ quan giải quyết đăng ký sang tên xe thì không phải làm thủ tục thu hồi.
Kim Kim
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông