Vấn đề bạn đọc quan tâm
Mỏi mòn chờ lộ
Dù chỉ cách trung tâm xã Hưng Phú (huyện Phước Long) khoảng hơn 2km, nhưng suốt mấy chục năm qua người dân ở khu vực ấp Mỹ Tường I vẫn phải đi lại trên con đường “tự phát” sình lầy.
Người dân trong xóm cùng nhau dặm vá lại một đoạn lộ bị ngập sâu, sình lầy. Ảnh: P.V
Đi theo người dẫn đường, chúng tôi vượt qua con đường đất ngoằn ngoèo gần 2km nằm cạnh tuyến kênh Năm Sồm. Có đoạn người chạy xe phải thả 2 chân xuống vừa để giữ thăng bằng, vừa để trợ sức cho chiếc xe vượt qua được những hố ngập sâu gần quá nửa bánh. Và nếu không cẩn thận thì rất có thể cả người lẫn xe sẽ phi thẳng xuống kênh hoặc đám ruộng liền kề. Thật khó để hình dung, cũng với đoạn đường này, nếu ban đêm, có người mắc bệnh nguy kịch thì chuyển đến bệnh viện bằng cách nào?
Những người dân trong xóm kể: “Trước đây, xóm này đi xuồng hoặc đi bộ men theo con đường đất để ra lộ lớn ngoài cầu Năm Sồm. Nước ngập, sình lầy khiến việc đi lại vất vả quá, mọi người trong xóm bàn nhau hùn tiền mua đá về đổ, làm tạm một con đường để có thể đi lại thuận tiện. Nhưng con đường đá chỉ phát huy được hiệu quả vào mùa khô, còn mùa mưa, do nền đất yếu nên đá cũng lún hết. Cứ như vậy, suốt gần 10 năm nay, con đường không biết được tu sửa bao nhiêu lần”. Không chỉ gặp khó trong việc đi lại mà chuyện bị thương lái ép giá các mặt hàng nông sản hoặc gia cầm, gia súc với lý do vận chuyển khó khăn đã không còn là chuyện lạ với người dân trong ấp.
Cũng theo thông tin của người dân trong xóm cho biết, có nhiều đoàn đến khảo sát để làm đường, làm cầu; người dân đã nhiều lần kiến nghị đề xuất làm con lộ này tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Cứ thế, suốt mấy chục năm nay, người dân trong xóm cùng các em học sinh vẫn ngày ngày đi lại trên con đường đất ngập lún, sình lầy. Ngày nắng thì không sao, chứ vào ngày mưa thì trơn trượt nguy hiểm, nhưng nếu không đi thì chẳng còn cách nào khác. Ông Trần Quốc Phong (ấp Mỹ Tường I, xã Hưng Phú, huyện Phước Long) chia sẻ: “Dưới sông thì lục bình dày đặc, trên bờ thì lộ làng sình lầy gần như quanh năm. Tội nhất là mấy cháu nhỏ ngày ngày phải đi lại trên con đường chẳng thành đường như thế để đến trường. Rồi người già trong xóm mà đau bệnh thì chỉ có thể cõng chạy bộ ra lộ lớn mới có xe chở đi. Mọi người trong xóm rất mong các cấp có thẩm quyền, chính quyền địa phương sớm xem xét xây dựng con lộ mới để mọi người yên tâm đi lại, lao động, sản xuất”.
Có thể thấy, việc thiếu lộ giao thông không chỉ làm chậm phát triển kinh tế mà còn khiến việc giao lưu văn hóa, sinh hoạt đời sống của người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Sự mong mỏi của Nhân dân là chính đáng, vì vậy thiết nghĩ các cấp, chính quyền cần sớm hỗ trợ đầu tư xây dựng cầu dân sinh cùng tuyến đường mới để vực dậy đời sống người dân trong ấp.
P.V
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh