Vấn đề bạn đọc quan tâm
Môi trường đang kêu cứu
Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải, nước thải trong sinh hoạt cộng đồng dân cư, trong các lĩnh vực: y tế, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành ngày càng chặt chẽ, đồng bộ và đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến bước đầu về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tuy nhiên, những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai các hoạt động BVMT vẫn còn rất nhiều, từ ý thức của chính người dân trong đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày cho đến những quan tâm dành cho công tác môi trường không đồng đều giữa các địa phương, các cơ quan, đơn vị.
Bài 2: Đừng để phát triển sản xuất đối nghịch với môi trường
>>Bài 1: Chuyện xử lý rác thải sinh hoạt - Xin đừng xem nhẹ
Trong đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra đầu tháng 5/2022, rất nhiều cử tri bày tỏ ý kiến bức xúc liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tràn lan cùng với sự gia tăng chất thải trong chăn nuôi, nhất là các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, các nhà máy chế biến thủy sản… đã làm cho môi trường phải kêu cứu. Cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm thậm chí cũng chưa hình dung được những hệ lụy lâu dài do môi trường bị ô nhiễm gây ra. Vì quyền lợi kinh tế, vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người hằng ngày, hằng giờ đang tự mình hủy hoại môi trường sống của chính mình.
Nhiều vấn đề dân sinh, trong đó có ô nhiễm môi trường được cử tri xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) kiến nghị đến Quốc hội. Ảnh: K.P
XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG THEO KIỂU ĐỐI PHÓ
Ông Đỗ Văn Cương (76 tuổi, ấp Vĩnh Điền, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) trình bày ý kiến của mình khi Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tiếp xúc cử tri tại xã Long Điền: “Đề nghị Nhà nước, chính quyền các cấp tính toán lại, chứ mấy cơ sở nuôi tôm công nghiệp theo hướng siêu thâm canh gây ô nhiễm môi trường quá. Họ xả thải không có xử lý gì hết trực tiếp ra kênh rạch, nước hôi thối cả một khu vực. Mấy chục hộ dân xung quanh đây thở thôi còn không được, đừng nói gì đến chăn nuôi”.
Câu chuyện tương tự xảy ra ở nhiều nơi, mà bức xúc nhất là ở khu vực xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Nhiều người dân lo lắng cho mức độ ô nhiễm môi trường của TP. Bạc Liêu trong thời gian tới, khi mà các mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh tiếp tục phát triển mà không tính đến vấn đề môi trường.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, nếu năm 2016 cả tỉnh chỉ có 87ha thì cuối năm 2021 tăng lên 3.905ha với 10 công ty và 650 hộ dân nuôi tôm công nghiệp. Khoảng 90% diện tích thả nuôi có xây dựng đề án hoặc kế hoạch BVMT. Nếu làm đúng theo đề án hoặc kế hoạch thì các chất thải từ mô hình nuôi tôm phải được xử lý theo hướng sau khi tách chất thải rắn (vỏ tôm, phân và thức ăn thừa) để tạo biogas, nước thải phải được xử lý để tuần hoàn tái sử dụng hoặc thải bỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả các hộ, thậm chí là công ty đều thực hiện đúng. Cũng giống như các công ty chế biến thủy sản, dù có hệ thống xử lý xả thải, có đầy đủ các điều kiện bảo vệ môi trường (có ao lắng, xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, có đề án, kế hoạch hoặc cam kết bảo vệ môi trường) nhưng quan trọng là có vận hành hệ thống như đúng quy định hay không? Rất nhiều trường hợp chỉ thực hiện các cam kết, các đề án để đối phó với ngành chức năng, không phải thật sự vì môi trường chung. Đặc biệt là với số hộ dân, cơ sở nuôi nhỏ lẻ, hầu hết đều chưa có hệ thống xử lý chất thải hoặc hệ thống ao lắng, ao xử lý chưa đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Chai lọ đựng thuốc BVTV bị vứt ngay trên bờ ruộng ở huyện Hồng Dân. Ảnh: C.L
NÔNG DÂN CŨNG “TẬN DIỆT” MÔI TRƯỜNG
Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở nông thôn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chăn nuôi có quy mô lớn. Những trang trại gia súc, gia cầm xuất hiện ngày càng nhiều đem lại thu nhập cao, cải thiện đời sống người dân và giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải từ sản xuất, chăn nuôi gây ra vẫn chưa được xử lý triệt để. Nguyên nhân chính là do lượng chất thải lớn, trong khi dân cư sống tập trung, không gian của các hộ gia đình thường nhỏ hẹp nên không khí ít được lưu thông. Thời gian gần đây, người dân sống cạnh tuyến kênh nằm dọc theo đường Nguyễn Chí Thanh nối dài (Phường 1, TP. Bạc Liêu) khá bức xúc khi trong khu dân cư nhưng lại có hộ xây chuồng cặp mé kênh và mua heo về thả nuôi. Mùi hôi thối của “trại heo” tự phát này khiến cho nhiều gia đình sống xung quanh phải chịu đựng trong thời gian dài. Ông T.T.N (Phường 1) bức xúc: “Trong khu dân cư mà không hiểu sao họ lại nuôi heo như trang trại, nhưng không thấy ai đến can ngăn, xử lý. Hơn một năm nay cả xóm lãnh đủ mùi hôi thối”. Thực trạng này không chỉ xảy ra ở đây, mà nó là vấn đề chung đang diễn ra tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Ô nhiễm môi trường từ sản xuất nông nghiệp đã được nói đến nhiều nhưng đến giờ vẫn chưa có giải pháp nào đủ mạnh để tạo sự thay đổi. Việc sử dụng hóa chất để chăm sóc, bảo quản nông sản đã trở thành thói quen trong quá trình canh tác của người nông dân nhiều năm nay. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng được sử dụng trên đồng ruộng và cả trong chăn nuôi, trồng màu. Hầu hết chúng đều có nguồn gốc xuất xứ, thành phần hóa học phức tạp, trong đó không ít loại có hàm lượng độc tố cao, khả năng lưu giữ trong môi trường lâu dài. Việc lạm dụng các loại hóa chất sẽ làm cho đất, nước, nông sản bị ô nhiễm, tác động tiêu cực đến sức khỏe của chính người nông dân và cả người tiêu dùng.
Tình trạng bao bì, chai lọ thuốc hóa học sau khi sử dụng không được người dân thu gom xử lý, mà thường vứt bỏ bừa bãi ngoài đồng ruộng, ao đìa dù Sở NN&PTNT đã tổ chức, bố trí các hố tập kết chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã qua sử dụng cho nông dân. Ông Trần Văn Thân (nông dân xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) cho biết, nhờ các hố tập kết này, khi sử dụng thuốc, vỏ chai, bao bì ông thu gom lại rồi mang đến đó, không bỏ lung tung trên đồng, hay bờ kênh. Tuy nhiên, hiện tại ngành chức năng chỉ thu gom và xử lý có 40%, số còn lại vẫn vứt bỏ không đúng nơi quy định. Thói quen của bà con nông dân đã góp phần gây hại rất lớn cho môi trường!
Một hộ nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Hòa Bình xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: C.L
TÁC HẠI VỀ LÂU DÀI
Nhiều khu vực trước đây được đánh giá là vùng nuôi tôm hiệu quả, tôm trúng, nhà tường, biệt thự mọc lên như nấm sau vài năm nuôi tôm công nghiệp. Thế nhưng, cũng chính những khu vực đó, ít năm sau thì người nông dân treo ao, treo vuông, nợ ngân hàng đầm đìa, thanh niên trai tráng bỏ nhà, bỏ quê đi xứ khác làm công nhân. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân lớn nhất là nuôi tôm thất mùa, tôm chết liên tục dẫn đến nợ nần chồng chất. Ai cũng thấy chuyện tôm chết, nhưng không mấy người hiểu được nguyên nhân chính là do tác hại của sự phá hoại môi trường, khiến ô nhiễm trầm trọng nguồn nước sông ngòi, kênh rạch, ô nhiễm đất nên con tôm bị bệnh, không phát triển nổi.
Trong nhiều diễn đàn có người nông dân tham gia gần đây, câu chuyện được mùa - mất giá, chuyện giá thức ăn chăn nuôi, phân, thuốc BVTV tăng chóng mặt khiến nền nông nghiệp tỉnh nhà lao đao. Nhiều nông dân quả quyết, nếu giá vật tư nông nghiệp cứ tăng thì nông dân chỉ có nghỉ làm nông, đi làm công nhân các khu công nghiệp. Việc phản ánh của bà con là đúng, nhưng khi được hỏi, vì sao bà con lại tốn quá nhiều tiền vào việc mua thức ăn công nghiệp, vào phân, thuốc BVTV cho cây trồng, vật nuôi của mình thì ít người có câu trả lời!
Các nhà quản lý, chuyên gia đã nhiều lần đặt vấn đề: Vì sao không chọn những phương pháp nuôi trồng gần gũi và thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe? Ví dụ như dùng phân hữu cơ thay cho phân hóa học; thức ăn thiên nhiên thay cho thức ăn công nghiệp? Sử dụng hóa chất trong nông nghiệp nhiều, vừa gây hại cho môi trường, vừa khiến sản phẩm làm ra không được người tiêu dùng ưa chuộng, ít vào được các chuỗi cửa hàng, siêu thị với những tiêu chuẩn khắt khe. Việc sản xuất nhưng phải bán trôi nổi, chấp nhận theo giá của thương lái cũng là nguyên nhân khiến cuộc sống của người nông dân bấp bênh. Vậy nên câu chuyện môi trường đâu chỉ dừng lại ở môi trường, nó ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đòi hỏi con người phải đánh giá khách quan, đúng đắn. Để đừng phải có những bài học, những trả giá khi môi trường ô nhiễm, mà công việc khắc phục, xử lý không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn mất hàng trăm năm.
K.PHƯỢNG - C.LINH
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong