Vấn đề bạn đọc quan tâm
Mua hàng online: Đã có luật bảo vệ!
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) năm 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Luật đi vào cuộc sống sẽ giúp công tác bảo vệ quyền lợi NTD hiệu quả, thiết thực hơn.
Mua hàng online đang trở thành xu hướng phổ biến hiện nay. Ảnh: K.P
MINH BẠCH VIỆC QUẢN LÝ BÁN HÀNG ONLINE
Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 và Nghị định 55 ngày 16/5/2024 của Chính phủ đã bổ sung nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi NTD trong giao dịch thương mại điện tử và trên không gian mạng. Các quy định mới làm rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số, nền tảng số trung gian, nền tảng số lớn; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng số; điều chỉnh việc sử dụng hệ thống thuật toán và quảng cáo hướng tới nhóm NTD cụ thể; kiểm duyệt nội dung, minh bạch hoạt động quảng cáo và bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương. Cụ thể, Luật mới đã bổ sung một chương về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với NTD trong giao dịch đặc thù, trong đó có các quy định riêng về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với NTD trong giao dịch trên không gian mạng và các chủ thể có liên quan nói trên.
Bên cạnh các nghĩa vụ nêu trên, các doanh nghiệp còn cần lưu ý các hành vi bị nghiêm cấm khi thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số. Ngoài việc phải tuân thủ các hành vi bị cấm nói chung, các tổ chức, cá nhân còn cần lưu ý các hành vi bị cấm cụ thể khi tham gia giao dịch thương mại điện tử và trên không gian mạng, bao gồm các hành vi ép buộc, ngăn cản, hạn chế quyền lựa chọn của NTD…
QUY ĐỊNH MỚI VỀ GIAO DỊCH TỪ XA
Giao dịch từ xa là thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện tại Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023. Theo đó, giao dịch từ xa được hiểu là giao dịch thực hiện qua mạng, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác mà NTD không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch.
Luật quy định, do tính chất là giao dịch không được tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, hàng hóa nên các bên phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc mã số doanh nghiệp; số lượng, chất lượng, công dụng, giá cả, nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng… của hàng hóa, dịch vụ; phí giao hàng (nếu có); thời hạn thanh toán; cách bán hàng hoặc cung cấp sản phẩm, điều kiện đổi, trả hàng hóa nếu bị lỗi; chi tiết về công dụng, cách sử dụng, bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…
Nội dung hợp đồng giao dịch từ xa cần có thông tin mà bên cung cấp hàng hóa phải trình bày chính xác, cụ thể, đầy đủ ở trên; tên, địa chỉ, số điện thoại, cách liên hệ khác của NTD; quyền, nghĩa vụ của các bên. Phương thức xử lý khi cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ phải thỏa thuận cách xử lý; đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời hạn 30 ngày và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh; NTD không phải trả chi phí dưới mọi hình thức để chấm dứt hợp đồng.
Như vậy, hiện tại pháp luật bảo hộ đối với NTD khi tham gia mua hàng online, quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh online. Nhất là các quy định về xử lý đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của NTD.
KIM KIM
- Bế mạc và trao giải các hội thi tại Hội xuân “Chợ quê ngày Tết”
- Đồng chí Võ Văn Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và chúc tết, tặng quà các cô, chú trong CLB Thắp hương Đền thờ Bác
- Đồng chí Võ Văn Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trao tặng quà tết cho công nhân, lao động tỉnh Bạc Liêu
- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương chúc Tết Khu căn cứ Tỉnh ủy Cái Chanh
- Đồng chí Võ Văn Dũng - Phó Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương thăm, chúc tết và tặng quà tại huyện Đông Hải