Vấn đề bạn đọc quan tâm
Sửa đường như… phá đường
“Đường mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã hư hỏng, xuống cấp phải duy tu, sửa chữa; cắt đường xong không phân luồng, căng dây để người tham gia giao thông biết là đường đang sửa, nhiều người té ngã lắm rồi, cơ quan báo chí xuống ghi nhận tình hình, phản ánh giúp người dân chúng tôi với…”, đó là nội dung những cuộc gọi chúng tôi nhận được trong những ngày qua của bạn đọc phản ánh về việc sửa chữa tuyến đường Hòa Bình nối dài (đoạn từ Trường mầm non Họa Mi đến điểm giao nối đường Tôn Đức Thắng).
Trường hợp người dân bị tai nạn phải nhập viện điều trị khi điều khiển xe máy sụp vào rãnh cắt không được căng dây, cảnh báo. Ảnh: NDCC
Do tuyến đường này bị hư hỏng, xuống cấp nên đơn vị thi công đã cho phương tiện cơ giới vào cắt mặt đường để loại bỏ những điểm sụt, lún. Sẽ không có gì để phàn nàn, bức xúc nếu trong quá trình sửa chữa đơn vị thi công cho căng dây, cắm biển cảnh báo để người tham gia giao thông biết mà chọn đi đường khác, hoặc chủ động giảm tốc độ khi lưu thông. Đằng này, phía đơn vị thi công chỉ lo cắt, phá bỏ những điểm hư hỏng, xuống cấp, vô hình trung tạo thành những gờ chìm, hàm ếch ngay trên mặt đường, lại gặp lúc triều cường dâng, mưa gây ngập cục bộ khiến cho những hố cắt trở thành những cái bẫy “tàng hình” trong làn nước. Và hậu quả là nhiều người chạy xe vào và bị té ngã, thậm chí có trường hợp bị chấn thương phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Ông Trần Thanh Bình - một người tham gia giao thông, bức xúc: “Đường ngập biến thành sông đã đành, vậy mà cắt xẻ đường cũng không cảnh báo cho người tham gia giao thông biết. Sửa đường kiểu này có khác gì làm gài người đi đường”.
Theo nhiều người dân sống gần khu vực đường bị cắt xẻ, từ sau vụ tai nạn khiến một người tham gia giao thông phải vào bệnh viện cấp cứu thì đơn vị thi công có cho người xuống khoanh vùng, căng dây. Tuy nhiên, đây lại là tuyến đường chính để các em học sinh Trường mầm non Họa Mi đến lớp, nên việc căng dây, thi công ì ạch của đơn vị thi công khiến cho giao thông trên tuyến đường này nhiều hôm rất hỗn loạn, nhất là những ngày trời mưa dầm, nước ngập sâu.
Trước tình trạng trên, chủ đầu tư và chính quyền địa phương cần có biện pháp đôn đốc, nhắc nhở đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ sửa chữa đường. Đồng thời, cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông qua đoạn đường này.
KHÔI NGUYÊN
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh