Vấn đề bạn đọc quan tâm
Thực hiện thanh toán hóa đơn điện tử: Nhiều hộ kinh doanh vẫn còn lúng túng
Thực hiện Nghị định 123 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ, từ ngày 1/7/2022, tổ chức, cá nhân bắt buộc phải chuyển sang hóa đơn điện tử (HĐĐT). Tính đến nay đã triển khai thực hiện HĐĐT hơn 1 tháng, bên cạnh hiệu quả mang lại của HĐĐT, thì vẫn còn nhiều vấn đề cần được sớm tháo gỡ từ thực tiễn.
NHIỀU CÁI KHÓ
Chị L.T - một hộ kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng ăn uống tại Phường 2 (TP. Bạc Liêu) cho biết, để có thể thực hiện HĐĐT cho cơ sở kinh doanh của mình, bản thân chị đã bỏ ra hơn 1 tháng để mày mò tìm hiểu cách thức vận hành, quy trình thực hiện. Theo quy định mới, hộ kinh doanh phải tự kê khai, tự tính thuế. Chỉ riêng cái khâu “cộng trừ nhân chia thuế” cũng đủ “lên bờ xuống ruộng” cho những hộ nào trước giờ không rành về kế toán cũng như việc quản lý bằng hóa đơn. Bởi việc tính thuế còn liên quan đến khâu cuối cùng của quy trình xuất HĐĐT. Dù cho làm xong tất cả các bước, nhưng khi áp lên hệ thống mà phát hiện tính sai thuế thì hệ thống sẽ báo lỗi, trả lại.
Liên quan đến HĐĐT, anh T.H - chủ một cửa hàng bán nhu yếu phẩm tại Phường 3 (TP. Bạc Liêu) xác định, đây là quy định của Nhà nước, ngành Thuế cũng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh rất nhiều. Tuy nhiên, cái khó không chỉ ở con người, mà còn do việc áp dụng mới nên hệ thống điện tử luôn quá tải. Bản thân anh là dân công nghệ, thấy việc thực hiện HĐĐT không khó, nhưng sau gần 1 tháng áp dụng, đến nay anh vẫn không dám cam kết đảm bảo cung cấp HĐĐT cho khách hàng đúng yêu cầu của họ về ngày giờ. Việc xuất HĐĐT hiện quá tải, rất chậm, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp với khách hàng.
Chuyển đổi từ hóa giấy đơn sang hóa đơn điện tử. Ảnh minh họa: T.S
CẦN SỚM THÁO GỠ
Cũng theo chị L.T, quán của chị trước giờ xuất hóa đơn giấy cho khách, có biết về hoạt động kế toán, bản thân chị cũng biết sử dụng máy tính thì còn đỡ. Chứ đối với những người kinh doanh nhỏ lẻ, ít tiếp xúc với công nghệ, không rành về hệ thống kế toán, thì việc thực hiện HĐĐT thật sự là một thách thức lớn.
Bà M.V - một hộ kinh doanh trong chợ Bạc Liêu giãi bày, với những người kinh doanh trong chợ, trước giờ ít khi xuất hóa đơn đỏ nếu khách hàng không đòi hỏi. Việc xuất hóa đơn giấy thì còn dễ, chớ giờ với HĐĐT thì bà bó tay. Bởi bản thân còn không biết dùng máy tính, quá nhiều thủ tục, giấy tờ, rồi phải tự tính thuế… Dù đã nhiều lần vô Chi cục Thuế để tìm hiểu, cũng được hướng dẫn nhưng kết quả vẫn là khó.
Nắm bắt được nhu cầu như trường hợp của bà V., nhiều tiểu thương truyền tai nhau về dịch vụ kê khai thuế và làm hộ HĐĐT, mỗi tờ HĐĐT thu phí 40.000 đồng. Do làm quá khó nên nhiều người ít phải xuất HĐĐT như bà V. thì chỉ biết tặc lưỡi bỏ tiền ra thuê cho nhanh.
Hiện tại, với các hộ kinh doanh được giao nộp thuế khoán, một nguyện vọng rất thực tế của nhiều người mà chúng tôi gặp, bên cạnh nhu cầu được tập huấn, hướng dẫn thủ tục thực hiện HĐĐT thì họ mong Bộ Tài chính cần nghiên cứu để sớm tháo gỡ những vướng mắc về mặt quy trình, thủ tục. Với tình trạng hiện nay, các hộ nộp thuế khoán không thể tự xuất HĐĐT mà phải đến Chi cục Thuế các địa phương để đăng ký mua từng HĐĐT, gây nên tình trạng quá tải, chậm trễ, đi lại nhiều lần rất khó khăn.
T.S
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau