Vấn đề bạn đọc quan tâm

Tránh “tiền mất, tật mang” khi làm theo các hướng dẫn trên mạng xã hội

Thứ Sáu, 17/01/2025 | 16:44

Hiện tại, trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin cảnh báo các hình thức lừa đảo, nhưng trong số đó cũng có những thông tin giả hoặc thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin chỉ cung cấp một phần của sự thật. Do đó, người dùng mạng xã hội nên cẩn trọng trước những thông tin này, đặc biệt là tránh chia sẻ khi chưa thật sự hiểu rõ về nó.

ĐỪNG VÔ TÌNH TIẾP TAY CHO TIN XẤU, TIN ĐỘC HẠI

“Quét mã QR, mất sạch tiền trong tài khoản”, thông tin này sau khi được đăng thì có nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Không có kiểm chứng nào, nhưng người này vẫn chia sẻ cho người kia, làm cho rất nhiều người hoang mang, không dám thực hiện chuyển khoản bằng hình thức quét mã QR, khiến cho một chủ trương lớn của Nhà nước về thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục gặp khó khăn. Nhưng khi ngành chức năng liên hệ để kiểm chứng thông tin thì không tìm ra được ai là người đã bị mất tiền theo cách thức như vậy, tất cả đều là nghe kể và ghi chép lại để cảnh giác cho mọi người?!

Tương tự, cũng có thời gian tin đồn về việc nghe cuộc gọi từ đầu số lạ có thể bị mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng được rất nhiều tài khoản mạng xã hội chia sẻ, khiến nhiều người hoang mang không dám nghe điện thoại. Tuy nhiên, về nguyên tắc, chỉ nghe điện thoại thì không thể nào mất tiền trong tài khoản vì không có sự liên kết nào kỳ cục như thế.

Đáng quan ngại hơn, có những thông tin liên quan đến sức khỏe, nhìn bề ngoài thì giống như là những thông tin tối cần thiết, hết sức bổ ích cho mọi người, nên nhiều người cứ thấy là chia sẻ bất chấp, thậm chí bản thân cũng không hề biết những thông tin đó là thật hay giả, đúng hay sai. Không ai nghĩ nếu đó là những thông tin sai, khi chia sẻ mà không quan tâm hậu quả, người tiếp nhận không biết hoặc không đủ kiến thức y khoa để biết đó là thông tin sai và thực hiện theo chỉ dẫn sẽ khiến nguy hiểm đến tính mạng. Dù hiện tại chưa thể truy cứu trách nhiệm những trường hợp này, nhưng rõ ràng, hành động như vậy đã vô tình tiếp tay để lan tràn những thông tin xấu, độc, nguy hiểm cho xã hội.

Những thông tin chia sẻ về cách chữa đột quỵ sai lầm gây nguy hiểm nếu làm theo. Ảnh: K.K

PHẢI KIỂM CHỨNG THÔNG TIN TRƯỚC KHI CHIA SẺ

Ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã khẳng định, hiện không có công nghệ nào cho phép chỉ thông qua việc nghe cuộc gọi mà có thể trừ tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc đánh cắp thông tin, tài khoản, mật khẩu. Tương tự, bản chất mã QR không phải mã độc tấn công trực tiếp mà chỉ là trung gian để chuyển tải nội dung. Người dùng có bị tấn công hay không phụ thuộc vào cách xử lý nội dung sau khi máy quét mã QR ra kết quả. Nếu đó là kết quả dẫn đến cổng thanh toán của ngân hàng như bình thường thì tiếp tục thanh toán, còn quét ra đường link lạ thì phải dừng lại không thực hiện tiếp tục.

Theo các chuyên gia về công nghệ, mặc dù hiện nay tình trạng lừa đảo trên không gian mạng rất phổ biến, tuy nhiên, không phải cảnh báo lừa đảo nào cũng là thật, thậm chí các đối tượng lừa đảo có thể dùng cảnh báo lừa đảo giả để dẫn dụ người dùng vào kịch bản lừa đảo thật. Đơn cử như cảnh báo chuyên gia có thể lấy lại tiền đã bị lừa đảo cho chơi tiền ảo; hay có thể lấy lại tiền đã bị bọn lừa đảo chuyển đi mất… Nhiều người đã mất tiền, khi tin và làm theo các cảnh báo này lại trở thành nạn nhân của bọn siêu lừa đảo. Vì vậy, nếu nhận được các thông tin, bất kể nội dung là gì, bạn luôn cần kiểm chứng lại thông qua các kênh chính thống như trang web của cơ quan công an, ngân hàng, báo chí, truyền hình chính thống; theo dõi các cảnh báo từ Hiệp hội An ninh mạng hoặc các công ty an ninh mạng uy tín.

KIM TUẤN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.