Vấn đề bạn đọc quan tâm
Từ vụ “Nghiện game, nghịch tử giết mẹ”: Quản lý game bạo lực để bảo vệ thế hệ trẻ
“Chú ơi, cái trò chơi đó là gì mà làm người ta ra nông nỗi vậy hả chú?”. Một phụ nữ tuổi ngũ tuần ở gần nhà hung thủ Lê Đức Toàn hỏi tôi như thế. Người dân quê nơi đây sửng sốt trước tác hại ghê gớm của các trò chơi điện tử (game) bạo lực đã ập lên làng xóm họ khi nghe tin Toàn giết chết mẹ ruột.
Mê game - thiếu kiềm chế
Lê Đức Toàn (ấp 2, thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai) trước khi giết mẹ ruột của mình đã “luyện” trò chơi địa ngục. Người chơi nhập vai một người đi tiêu diệt những vong hồn vất vưởng trên dương thế sau ngày rằm tháng 7 âm lịch. Do trò chơi này đầy rẫy cảnh giết chóc nên nhà cung cấp trò chơi trực tuyến khuyến cáo người dưới 18 tuổi không nên chơi. Nhưng có mấy chủ tiệm Net lưu tâm đến chuyện này?
Tác hại của việc chơi game thái quá, trong đó nổi cộm hơn cả là game bạo lực đã được báo Bạc Liêu đề cập nhiều lần. Người chơi sẽ tốn nhiều thời gian. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu về phụ nữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy trên 45% người chơi từ 1 - 3 tiếng mỗi ngày. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra số thanh, thiếu niên chơi 5 tiếng mỗi ngày chủ yếu chơi vào ban đêm và thường chơi những game có tính bạo lực cao. Việc này dẫn đến người chơi game có kỹ năng xã hội kém, ít dành thời gian cho gia đình, học tập, công việc, giải trí khác và rèn luyện thân thể.
Người “lậm” game bạo lực sẽ có hành vi thiếu kiềm chế. Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, giảng viên thỉnh giảng môn Tâm lý thần kinh - tâm bệnh học phát triển tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. HCM cho biết qua e.mail: “Trẻ chơi nhiều game bạo lực cho thấy suy kém đặc biệt về chức năng kiểm soát điều hành của não bộ được hiểu như là khả năng kiểm soát chủ động. Kiểm soát chủ động được xem là điều kiện cần thiết để kiềm chế phản ứng xung động, bốc đồng”. Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân của các vụ việc, vụ án liên quan đến người nghiện game bạo lực trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Bạc Liêu, phạm tội trong thanh, thiếu niên có xu hướng gia tăng, kể cả phạm tội nghiêm trọng, hành vi phạm tội có tính man rợ.
“Không phát hiện game bạo lực”(?!)
Trước thực trạng này ở phạm vi cả nước nói chung, nhiều văn bản pháp lý về quản lý game đã được ban hành từ thông tư cho đến nghị định. Nhưng hầu như hiệu quả chưa cao.
Từ đầu năm đến nay, Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Bạc Liêu phối hợp với một số cơ quan liên quan đi kiểm tra 27 cơ sở kinh doanh Internet ở một số huyện, thành phố. Kết quả rất bất ngờ, “không phát hiện game bạo lực”(?!) - ông Nguyễn Minh Ký, Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết. Theo ông Ký, thông tin đoàn liên ngành đi kiểm tra có thể bị lộ nên các đại lý game đã có phương án đối phó. Khi đoàn liên ngành hỏi Phòng VH-TT ở một huyện về các tiệm game nằm cách trường học dưới 200m, nơi đây trả lời đã nghỉ hoạt động từ lâu. Nhưng thật ra, một công an viên (thành viên của đoàn liên ngành được cử đi trinh sát trước) đang ngồi chơi game ở tiệm này.
Trò chơi nói chung, trò chơi điện tử nói riêng có chức năng giải trí là chủ yếu. Nhưng chơi nhiều game bạo lực lại có nhiều “tác dụng phụ”. Tính đến cuối năm 2012, Bạc Liêu đã có tỷ lệ 11 người dùng Internet/10.000 dân. Đây là con số đáng mừng, song cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng nhiều người truy cập Internet để chơi game. Quản lý tốt các trò chơi điện tử có tính đối kháng, bạo lực cũng là góp sức bảo vệ thế hệ trẻ, gián tiếp giữ vững ổn định trật tự xã hội.
Mạnh Quân
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh