Vấn đề bạn đọc quan tâm
Vui lễ hội, đừng để vi phạm pháp luật
Tháng Giêng - tháng của những lễ hội, là dịp đông đảo người dân đi lễ đầu xuân, cầu mong sức khỏe, bình an và sung túc. Tuy nhiên, tham gia vui chơi ở các lễ hội, đền chùa, di tích, danh lam thắng cảnh như thế nào để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, văn minh, lịch sự lại vừa không vi phạm pháp luật mà Nhà nước nghiêm cấm là vấn đề cần quan tâm.
Du khách đến tham quan, chiêm bái tại khu Quán âm Phật đài. Ảnh: K.K
Lễ hội luôn là dịp tập trung đông đúc người dân tham quan, vui chơi, cúng bái nên không ít đối tượng lợi dụng các hoạt động văn hóa tín ngưỡng tại những nơi này để “bày trò” mê tín dị đoan; các đối tượng tội phạm trà trộn vào dòng người để trộm cắp, cướp giật tài sản; tổ chức các hình thức cờ bạc trá hình… Những hành vi vi phạm pháp luật này không chỉ khiến nhiều người hoang mang, lo lắng mà còn gây mất an ninh trật tự tại các khu vực.
Bên cạnh đó, việc tham gia lễ hội, đi chùa cầu an của nhiều người cũng còn nhiều điều cần phải được chấn chỉnh. Nghị định 110/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội đã đưa ra những quy định về quyền của người tham gia lễ hội. Trong đó quy định chuẩn mực ứng xử trong lễ hội, trách nhiệm của người tham gia phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội. Mặc trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội. Thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng; thể hiện mong muốn điều tốt đẹp, may mắn đến với cá nhân, gia đình, quê hương, đất nước; được giao lưu, sinh hoạt văn hóa và hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần.
Bên cạnh đó, người đi lễ hội phải thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường. Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngoài việc chấp hành nghiêm quy định trên còn phải tuân thủ các quy định khác như không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công để tham gia lễ hội.
Kim Kim
Các hành vi vi phạm bị xử phạt liên quan đến tổ chức lễ hội
Tại Điều 14 Nghị định 38/2021 của Chính phủ quy định: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với các hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định; nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.
Ban tổ chức lễ hội, nếu có hành vi “chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình” bị phạt tiền từ 0,5 - 1 triệu đồng. Nếu lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi, hoặc tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội, sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau