Vấn đề bạn đọc quan tâm
Vùng “trũng” quy hoạch các dự án được thay đổi mục đích sử dụng đất
Hơn 3,6ha đất trồng lúa nằm giữa quy hoạch các dự án Khu dân cư (KDC) Tràng An - KDC đường Trần Phú nối dài - Trạm biến điện 110KV - Trạm biến điện 220KV (thuộc khóm 1, phường 7, TP. Bạc Liêu) nhiều năm không có đường thoát nước, thường xuyên ngập úng, sản xuất không hiệu quả làm ảnh hưởng cuộc sống người dân…
Sản xuất gặp khó khăn
Ông Trần Khắc Duệ (ngụ số 99A/8, khóm 1, phường 7, TP. Bạc Liêu) cho biết: Năm 2009, Dự án KDC Tràng An thu hồi của hộ ông 1ha đất, phần diện tích còn lại khoảng 8.000m2 nằm giữa các dự án KDC Tràng An - KDC Trần Phú nối dài - Trạm biến điện 110KV - Trạm biến điện 220KV và hệ thống truyền tải của các trạm biến điện đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch mở rộng. Nhưng nhiều năm nay dự án không triển khai thực hiện, phần đất của gia đình ông sản xuất không hiệu quả, thậm chí còn gây thiệt hại nặng. Ông nhiều lần yêu cầu cơ quan chức năng sớm thực hiện dự án và bồi thường cho dân. Nếu trường hợp không thực hiện dự án thì điều chỉnh quy hoạch để người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Bởi lẽ, khi trời mưa, khu vực này bị các dự án bao ví xung quanh nên trở thành một cái ao, nước ngập ngang bụng không có đường thoát. Trong khi đó, lúa chỉ ngập úng vài ngày là hư hỏng và có thể thất trắng. Vụ mùa đầu năm 2014, ông Duệ phải bỏ hoang đất, không thể canh tác cũng do ngập nước.
Ông Trần Khắc Duệ chỉ phần đất nằm trong vùng “trũng” bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: M.N |
các ngành chức năng tỉnh vào cuộc
Ông Huỳnh Quốc Ca - Phó Giám đốc Sở Xây dựng giải thích: Theo quy hoạch ngành Điện đến năm 2020, khu vực vùng “trũng” sẽ đấu nối nhiều hệ thống đường dây truyền tải vào các trạm biến điện để tăng nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, để bảo đảm an toàn cho việc truyền tải và quy hoạch phát triển ngành Điện trong thời gian tới, đồng thời khắc phục tình trạng ngập úng ở khu vực vùng “trũng” và KDC đường Trần Phú nối dài, các sở, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp đề xuất kiến nghị với tỉnh và Trung ương. Cụ thể, sẽ xử lý môi trường chống ngập úng bằng cách cho lắp đặt hệ thống cống thoát nước dọc theo các hẻm ở 2 đầu khu vực vùng “trũng” đấu nối vào hệ thống cống thoát nước đường Trần Phú (cốt nền thấp hơn) thay cho trước đó đấu nối vào cống thoát nước qua Dự án Tràng An ra sông Trà Uôl (cốt nền cao hơn) nên cơ bản khắc phục tình trạng ngập úng kéo dài. Bên cạnh đó, UBND TP. Bạc Liêu cần xem xét, rà soát để quy hoạch lại sản xuất từ đất trồng lúa sang đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm (thay đổi mục đích sử dụng đất) như: trồng rẫy, nuôi cá, trồng cây ăn trái. Khi đó (cốt nền cao hơn) sẽ tránh ngập úng không hạn chế quyền của người sử dụng đất mà còn sản xuất hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn lưới điện.
Riêng việc các hộ yêu cầu được bồi thường, do chưa có dự án cụ thể nên không có căn cứ, cơ sở chính sách bồi thường. Tuy nhiên, việc phản ánh của các hộ dân là rất chính đáng, Sở Công thương và các ngành chức năng sẽ có ý kiến đến Tập đoàn Điện lực để sớm có chính sách hỗ trợ người dân và công bố thiết kế chi tiết hệ thống truyền tải theo quy hoạch sắp tới nhằm định vị, công khai cho người dân biết.
M.N
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh