Vấn đề bạn đọc quan tâm
Vướng mắc trong chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp: Cần nhanh chóng được tháo gỡ
Trong những lần lấy ý kiến xoay quanh việc sửa đổi Luật Đất đai, những vướng mắc trong chuyển đổi, chuyển nhượng đất nông nghiệp… là nhóm vấn đề được đề nghị phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung càng sớm càng tốt.
Việc chuyển đổi, chuyển nhượng đất nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ. Ảnh: K.P
Trước hết là vấn đề liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) nông nghiệp. Theo quy định của Điều 188 Luật Đất đai 2013, điều kiện để người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp là khi họ được cấp Giấy CNQSDĐ. Tuy nhiên, việc cấp Giấy CNQSDĐ nông nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình ở nhiều nơi còn chậm vì nhiều lý do khác nhau. Sự chậm trễ này ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng đất nông nghiệp của người sử dụng đất, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất.
Nguyên nhân dễ thấy nhất là quy định về điều kiện chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp với hộ gia đình giữa quy định của Luật Đất đai 2013 và của Bộ luật Dân sự 2015 về hộ gia đình chưa có sự thống nhất. Trên thực tiễn, có nhiều trường hợp các thành viên trong gia đình có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm Nhà nước giao đất, nhưng hiện họ lại không đang sống chung với nhau. Bộ luật Dân sự 2015 quy định, việc chuyển đổi, chuyển nhượng liên quan đến quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, phải có sự thỏa thuận của các thành viên đã thành niên. Trường hợp, nếu một thành viên vì một lý do nào đó không chấp nhận chuyển đổi, chuyển nhượng sẽ dẫn đến các thành viên còn lại trên thực tiễn không thể chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Như vậy, quy định này đang gây khó khăn cho các giao dịch chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thực tế.
Bất cập nhất có lẽ là quy định liên quan đến những người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Quy định này ban đầu nhằm bảo đảm nguyên tắc ưu tiên bảo vệ và phát triển quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa. Tuy nhiên, các văn bản hiện hành không giải thích rõ thế nào là “không trực tiếp sản xuất nông nghiệp”. Điều này dẫn đến trường hợp, chủ thể có tham gia vào một khâu nào đó trong quan hệ sản xuất nông nghiệp, nhưng họ lại không được coi là chủ thể trực tiếp sản xuất nông nghiệp và bị hạn chế quyền của mình. Quy định này đã cản trở quyền được tiếp cận quyền sử dụng đất của không ít người dân. Hầu hết các nhà nghiên cứu luật đều cho rằng, quy định này của Luật Đất đai cần nhanh chóng được tháo gỡ. Để đảm bảo người nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sử dụng đất đúng mục đích, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường giám sát việc thực hiện, trường hợp vi phạm cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật chứ không phải “triệt buộc” theo kiểu gây khó cho người dân.
KIM KIM
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông