Văn hóa - Nghệ thuật
25 năm, Bạc Liêu thay da đổi thịt
Đó là một phần tư thế kỷ Bạc Liêu, người “em áp út” của cả nước vươn mình, thay da đổi thịt để khẳng định một Bạc Liêu “đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - khát vọng - phát triển”. Đây cũng là phương châm của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI.
Khát vọng phát triển và quyết tâm phải phát triển là ý chí và hành động của toàn Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu trong chặng hành trình mà thời cơ và thách thức luôn song hành.
Bài 1: Áo mới Bạc Liêu
Một gương mặt sáng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một Bạc Liêu tràn trề tiềm lực và sinh lực, ánh sáng văn hóa từ những công trình văn hóa làm nên gương mặt Bạc Liêu… Đó là nhận định của những bè bạn ngoài tỉnh khi nhìn ngắm và cảm nhận về Bạc Liêu hôm nay.
Chiếc áo mới đề cập ở phạm vi bài viết này xin được nhìn ở khía cạnh những công trình văn hóa làm nên sự thay da đổi thịt cho Bạc Liêu sau một phần tư thế kỷ ra riêng, khó khăn không ít nhưng luôn ôm hoài bão phát triển.
Khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014. Ảnh: H.T
Từ những cái nhất và đầu tiên
“Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, đúng vào năm thứ 17 kể từ khi tái lập tỉnh, năm 2014, Bạc Liêu vinh dự đón nhận trọng trách: là địa phương đầu tiên đăng cai một Festival tầm quốc gia tôn vinh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ (gọi tắt là ĐCTT) - loại hình vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2013. Trước ngày Festival khai mạc, một nhà hát mang tên người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu với mô phỏng 3 chiếc nón lá, cùng với cây đờn kìm cách điệu sừng sững giữa Quảng trường Hùng Vương ngay sau khi thành hình đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là những mô hình cách điệu có kích thước lớn nhất Việt Nam. Cũng nhân Festival này, được khánh thành từ năm 2014, Quảng trường Hùng Vương kể từ đó cũng trở thành niềm tự hào của người Bạc Liêu. Quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở Quảng trường đã giúp vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa này “ghi điểm” trên bản đồ du lịch Việt Nam! Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Tượng đài sự kiện Mậu Thân 1968 mang giá trị lịch sử to lớn, khắc họa thời khắc lịch sử hào hùng của Đảng bộ và quân dân Bạc Liêu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời thể hiện lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống lịch sử - văn hóa cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nhìn ra góc rộng toàn cảnh, ở đâu cũng có những sắc màu dệt nên chiếc áo mới Bạc Liêu sau một phần tư thế kỷ vươn mình. Những năm mới tái lập tỉnh, Đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), Di tích lịch sử Nọc Nạng (TX. Giá Rai), kể cả khu mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu (TP. Bạc Liêu)… đều còn rất đỗi đơn sơ. Đền thờ Bác, một gian thờ nhỏ chứa đựng tấm lòng Bạc Liêu dành cho Người; di tích sót lại trên đồng Nọc Nạng chỉ là những ngôi mộ của một gia đình nông dân kiên cường hy sinh để gìn giữ ruộng mình; khu mộ người nhạc sĩ tài hoa xung quanh chỉ toàn cây cối… Tất cả giờ đây đã thay áo mới tinh tươm! Đền thờ Bác Hồ sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo nay là một công trình bề thế, uy nghiêm trên diện tích hơn 45.000m2, và nghiễm nhiên với quy mô và ý nghĩa đặc biệt ấy, Đền thờ Bác là một trong những điểm du lịch đầu tiên được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận điểm du lịch tiêu biểu cấp khu vực. Tương tự, nơi yên nghỉ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng trở thành một thánh đường, bảo tàng nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ mà bất cứ ai từng đặt chân đến đều phải trầm trồ, khen ngợi. Di tích lịch sử Nọc Nạng chỉn chu hơn để đón khách thập phương, ngoài ra, TX. Giá Rai còn có Nhà thờ Tắc Sậy thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước (thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19). Vươn cao đón gió ngoài biển lớn, điện gió Bạc Liêu cũng làm nên sự lột xác cho nơi này. Đó vừa là công trình thổi ra… tiền để Bạc Liêu làm giàu, vừa đảm đương cả sứ mệnh đắp nền móng để phát triển du lịch!
Với chiếc áo mới của mình, đến nay toàn tỉnh đã có 9 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận, là tỉnh dẫn đầu và chiếm 21,42% điểm du lịch tiêu biểu toàn khu vực.
Quảng trường Hùng Vương - điểm du lịch tiêu biểu của Bạc Liêu và ĐBSCL. Ảnh: H.T
Phát huy lợi thế độc quyền
Bạc Liêu không đơn thân phát triển mà luôn đồng hành phát triển với các tỉnh, thành. Trên bước đường đó, nếu muốn làm mới mình, muốn khẳng định nét riêng để thu hút bè bạn, du khách về với mình, góp phần từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh thì phải tính đến việc phát huy lợi thế độc quyền. Làm mới mình để tạo nét riêng trong tương quan so sánh với các tỉnh bạn bằng cách gìn giữ, phát huy những giá trị thuộc về bản sắc, hòa nhập để phát triển chính là kim chỉ nam trong một phần tư thế kỷ ấy.
Hai mươi mốt tỉnh, thành Nam bộ thì ở đâu cũng có nghệ thuật ĐCTT, nhưng phải đến Bạc Liêu mới tìm thấy nơi gìn giữ giá trị loại hình nghệ thuật này với vô số tư liệu kể về thân thế, sự nghiệp của những người đã vun đắp cho tiến trình phát triển của ĐCTT cũng như nghệ thuật cải lương Việt Nam… Các giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với giai thoại về Công tử Bạc Liêu, đặc biệt là khu nhà Công tử Bạc Liêu luôn có sức hút mạnh mẽ du khách. Năm 2019 khi tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch kỷ niệm 100 năm ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” (DCHL), 100 năm xây dựng nhà Công tử Bạc Liêu, tỉnh cũng đã mạnh dạn xây dựng kịch bản về giai thoại Công tử Bạc Liêu phục vụ du khách và được đón nhận khá hào hứng.
Năm 1997, đường ra biển Bạc Liêu hoang sơ cằn cỗi, chỉ duy nhất tượng Phật Bà trang nghiêm trên bờ biển, khu vườn chim Bạc Liêu và vườn nhãn chung tuyến cũng chưa thu hút nhiều du khách bởi tỉnh chưa biết làm du lịch một cách bài bản. Giờ đây, tất cả là “mỏ vàng” cho du lịch Bạc Liêu khi tỉnh đã có định hướng phát triển toàn khu trở thành khu du lịch quốc gia với tổ hợp sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng như: Điện gió Bạc Liêu, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, khu nuôi tôm công nghệ cao và sản xuất đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH SX và TM Trúc Anh, vườn nhãn cổ Bạc Liêu, Khu Quán âm Phật đài, Khu du lịch Nhà Mát, Thiền viện Trúc lâm Bạc Liêu…
Hai mươi lăm năm ra riêng, đổi thay khắp các lĩnh vực, riêng ở khía cạnh làm mới mình để mời gọi bè bạn đến với xứ DCHL, đã là một dấu ấn! Lượng khách du lịch đến với Bạc Liêu năm 1997 chỉ 43.000 lượt người, năm 2005 là 150.000 lượt người, năm 2010 tăng lên 386.000 lượt, năm 2015 đạt gần 1,2 triệu lượt và năm 2020, con số này ở mức 3,2 triệu lượt! (trung bình hàng năm tăng khoảng 22% trong mốc thời gian từ năm 2015 - 2020). Điều đó cho thấy sự thay da đổi thịt chỉ xét riêng ở khía cạnh những công trình văn hóa, những tài sản làm du lịch thôi cũng thấy Bạc Liêu thời hiện tại đầy sức hút đối với bè bạn khắp nơi.
PHƯƠNG THÚY
- Thành phố Bạc Liêu tiếp công dân định kỳ tháng 4
- Phòng GD-ĐT TP. Bạc Liêu: Tổ chức hội thi “Bé khéo tay”
- Huyện Hồng Dân: Khánh thành cầu Đường Trâu và tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
- Bạc Liêu thăm TP. Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Trường đại học Bạc Liêu: Hơn 500 vận động viên tham gia Hội thao sinh viên